Tuyển chọn và đào tạo VĐV tuyến năng khiếu: “Đãi cát tìm vàng”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phong trào ở tuyến cơ sở không có, có phụ huynh lại không mấy mặn mà khi cho con em theo nghiệp thể thao… là những điều khiến cho công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) tuyến năng khiếu của Thể thao Quảng Ninh gặp không ít khó khăn.
Tuyển chọn và đào tạo VĐV tuyến năng khiếu: “Đãi cát tìm vàng”
HLV Bóng chuyền Nguyễn Hữu Cường hướng dẫn kỹ thuật đệm bóng cho các VĐV bóng chuyền tuyến năng khiếu Trường Thể dục Thể thao tỉnh.

Kỳ SEA Games 30 vừa qua, thể thao Quảng Ninh gặt hái được nhiều thành tích đáng kể, xuất hiện nhiều gương mặt "vàng". Đó là bề nổi, thế nhưng để tìm được 1 VĐV vàng thì đó cả là một quá trình kể từ tuyến năng khiếu.

Chia sẻ về tìm kiếm đào tạo tuyến năng khiếu, ông Dương Bá Cường, Giám đốc Trường Thể dục Thể thao tỉnh chia sẻ: Suốt 39 năm qua, trường là "cái nôi" đào tạo, góp phần "chắp cánh" cho nhiều VĐV phát triển. hiện trường duy trì 15 môn. Sau khi chuyển giao 2 đội bóng trẻ (U11,13), năm 2020, chúng tôi xin cấp lại chỉ tiêu đào tạo Olympic cho 4 môn mới (Boxing, Muay Thái, Bắn cung, Đấu kiếm), duy trì số lượng 255 VĐV.

Tìm hiểu thực tế về công tác tìm kiếm và đào tạo tài năng ở tuyến năng khiếu mới thấy nhiều khó khăn. Theo lý giải của các HLV thì công tác "tuyển trạch" nghe qua thì đơn giản, nhưng thực tế khó, như tìm vàng. Để tìm kiếm, các "nhà tuyển trạch” có khi phải gắn bó với địa phương, ăn nằm ở các giải phong trào để theo dõi đánh giá tài năng. Có khi đi cả mùa, cả giải mà không tìm được VĐV nào.

"Đó là chưa kể một số môn còn mới mẻ chưa có phong trào. Vì thế cần theo dõi các cháu tập luyện, thi đấu nhiều lần để đánh giá, test thật chuẩn. Tài năng vì thế mà càng khó, như “tìm vàng” vậy!” - HLV môn đấu kiếm Nguyễn Đình Cường chia sẻ.
 
Tìm được người ưng ý nhưng đưa về tập, rèn giũa cũng không hề dễ. Các "tuyển trạch" phải đến tận gia đình các em để thuyết phục phụ huynh. Nay cuộc sống khá giả, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, nên nhiều gia đình không muốn con mình đi xa hoặc theo nghiệp thể thao. Chưa kể, việc tuyển chọn VĐV một số môn đặc thù như bơi lội, điền kinh... cần tuyển độ tuổi nhỏ, 6-7 tuổi. Có gia đình đồng ý, không ít người thẳng thừng từ chối.

Gỡ khó cho việc này, ngành Thể thao tỉnh đã chủ động mở rộng liên kết với các tỉnh thành bạn, thu hút VĐV ngoài tỉnh. Đơn cử như tuyển bóng chuyền Phú Thọ, Đăk-Nông, cầu lông ở Hải Dương... Năm 2020, trường tuyển được lứa VĐV bóng chuyển rất có tố chất, chiều cao, độ tuổi, sức nhanh, phản xạ, sức bền.

Để thu hút VĐV, thuyết phục gia đình, thời gian gần đây thể thao tỉnh nhà đã có những chính sách, đãi ngộ xứng đáng. Theo đó, tỉnh đã áp dụng các nghị định, đưa mức hỗ trợ cho các VĐV nói chung và tuyến năng khiếu nói riêng, đều đạt mức cao theo quy định mới nhất của Nhà nước. Mức này mỗi năm đều được tỉnh tạo điều kiện tăng thêm.

Hiện tiền công, bồi dưỡng cho VĐV năng khiếu là khoảng gần 6 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều địa phương trong toàn quốc. Vì thế mới có câu chuyện các VĐV năng khiếu dù vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đã hưởng “lương” cao hơn lương, thu nhập của bố mẹ ở quê. Đãi ngộ này cũng góp phần nào giúp các em được chăm sóc tốt hơn, gia đình tin tưởng, yên tâm cho các cháu theo niềm đam mê thể thao của mình.
 

Các cộng tác viên là HLV hoặc các VĐV có kinh nghiệm trong đào tạo trẻ đóng góp vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm tài năng cho tuyến năng khiếu của thể thao tỉnh nhà. (Trong ảnh: VĐV bơi Cao Thị Tuyết, TX Đông Triều hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các học viên).

Cùng với đó, Trường Thể dục Thể thao tỉnh cũng quan tâm tới đội ngũ thầy dạy, HLV với phương châm “có thầy giỏi, có trò giỏi”. Rất nhiều thầy cô ở trường vốn là các VĐV kỳ cựu, có tên tuổi trong nước và quốc tế, sau khi giải nghệ được mời làm HLV như: Lâm Thị Hương, từng đoạt HCV Thế giới, SEA Games về Pencat Silat, Kiện tướng Quốc gia bóng rổ Trịnh Thị Lan, Tay vợt cầu lông xuất sắc toàn quốc Trịnh Huyền Trang...
Không chỉ đào tạo cơ bản, trường còn quan tâm rèn giũa kỹ, chiến thuật cơ bản để đào tạo khoa học. Hiện ở trường, các học sinh năng khiếu ngoài chăm chỉ tập luyện, kiểm tra 2 kỳ/năm còn sát hạch qua các giải đấu. Đặc biệt, khoảng 10 năm lại đây, tỉnh tạo điều kiện cho các VĐV dạng tiềm năng tham gia 1 giải cấp khu vực hoặc Quốc gia theo lứa tuổi. Đây là cơ hội để khẳng định thành quả, nghị lực của mỗi VĐV trên sân tập.

Nhờ đào tạo vậy mà nhiều VĐV tiềm năng sau khoảng 3 năm đã có thể tham gia thi đấu để khẳng định mình. Tỷ lệ “lên lớp”, chuyển lên tuyến đào tạo cao hơn đạt 100%. Nhiều VĐV đã khẳng định mình, rạng danh thể thao tỉnh nhà như: Nguyễn Thái Linh (HCB Taekwondo ASIAD 2018), Nguyễn Lê Cẩm Hiền (Vô địch cờ vua trẻ U6, U8 thế giới), Phạm Thị Huệ (HCV SEA Games 30 môn điền kinh), Đào Thị Thủy Tiên (Vô địch Cờ tướng tiêu chuẩn Quốc gia).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật