Thiên Long Uyển và những bí ẩn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở một vùng đồng đất ven sông thuần nông như Yên Đức (Đông Triều), cái tên Thiên Long Uyển nghe thật quyền quý, sang trọng. Nó cũng gợi lại những ký ức từ cõi xưa trở về đến nay vẫn như thực, như mơ…
Thiên Long Uyển và những bí ẩn
Các nhà nghiên cứu khoa học cùng thành viên đoàn chụp ảnh lưu niệm tại vị trí bia Thiên Long Uyển, xã Yên Đức, Đông Triều.

Thiên Long Uyển là khu vực nằm trong cụm núi đá vôi bên sông Đá Bạc, thuộc tả ngạn sông Bạch Đằng. Dưới thời Trần, nơi này gọi là Thiên Liêu sơn, thuộc trang Ma Liêu, nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức. Vậy hiểu nôm na có nghĩa là vườn Thiên Long - “vườn nghìn rồng” ở núi Thiên Liêu…

Quá trình tác nghiệp với nghề báo, tôi từng đến vùng đất này hơn một lần. Mỗi lần lại là một khám phá thú vị, nhất là về những giá trị văn hóa ẩn giấu không dễ nhận ra, không dễ định vị.

Vừa rồi có dịp trở lại với Thiên Long Uyển, lại thêm những bí ẩn, những câu hỏi mới được đặt ra để tìm lời giải đáp. Đó là chuyến đi với đoàn cán bộ, học viên của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Quảng Ninh và Trường ĐH Hạ Long, nằm trong khuôn khổ dự án khảo cổ nhằm thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích”, theo Quyết định số 2825/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh.

Đi tìm dấu tích bia ma nhai cổ

Điểm đến đầu tiên của đoàn chính là tấm bia Tam Bảo Địa dựng phía sau chùa Đức Sơn – ngôi chùa làng nhỏ nằm sát chân núi Phượng Hoàng. Tấm bia cổ khắc vào vách đá tự nhiên của núi (bia ma nhai) được dựng nhà che tạm, ghi rõ niên hiệu Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông, ghi chép việc công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung cúng đất trang Ma Liêu làm của Tam Bảo. Xung quanh có nhiều tảng đá lớn nằm rải rác.

Sử chép lại rằng trang Ma Liêu vốn là đất phong của cha mẹ vợ Đỗ Khắc Chung – một vị quan to triều Trần, do lập công lớn nên được ban quốc tính đổi sang là Trần Khắc Chung. Tuy nhiên, khi quân Nguyên Mông sang xâ‌m lượ‌c nước ta, cha mẹ vợ của ông hàng giặc nên đất này bị thu lại, sau vua ban cho Trần Khắc Chung. Vợ chồng ông đã cúng đất này cho chùa, gọi là đất tam bảo thì sẽ mãi mãi thuộc về chùa…

Ngôi chùa nằm không xa, phía dưới tấm bia Tam Bảo Địa. Khu vực này đã được khai quật khảo cổ, dấu vết tìm thấy không còn nhiều nhưng đã lộ ra 3 cấp nền được xây dựng bằng đá.

Bia Tam Bảo Địa và Thiên Long Uyển đều được khắc trực tiếp vào vách đá Thiên Liêu sơn.

Chúng tôi rời khu vực chùa di chuyển ngang sang khu vườn mơ, vườn vải gần như bỏ hoang tới tấm bia Thiên Long Uyển. Quãng đường không xa nhưng cây dại mọc lâu ngày che lấp khiến nhiều học giả, nhà nghiên cứu không mấy khi tìm tới đây.

Khác với tấm bia Tam Bảo địa khắc vào vách đá ngay sát mặt đất và có gia công, bia Thiên Long Uyển khắc vào tảng đá núi Phượng Hoàng nằm cao hơn đầu người ngay bên cạnh một hang đá nhỏ. TS Nguyễn Văn Anh, người chủ trì khai quật ở đây, chỉ cho chúng tôi quan sát rộng ra xung quanh để thấy, mặt đất khu vực này đã được người xưa cố ý cải tạo theo hướng dốc dần từ ngoài vào trong, tạo một không gian rộng phía trước bia, đồng thời bảo vệ cho tấm bia khỏi bị vùi lấp.

“Thiên Long Uyển tức là vườn nghìn rồng, tương tự như vườn thượng uyển của vua xưa. Chả ai dại gì lại đặt tên như là vườn thượng uyển của vua cả, vì như thế là “khi quân phạm thượng”. Vậy thì ai đặt tên cho nơi này là Thiên Long Uyển, chỉ có thể lý giải là các vua đặt tên mà thôi. Đây phải chăng là nơi hai vua Trần đặt đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng năm xưa?” - TS Nguyễn Văn Anh tìm cách lý giải.

Để viện dẫn thêm bằng chứng cho suy luận của mình, anh cho biết, nhóm khảo cổ tại đây đã leo lên núi và tìm thấy khoảng hai chục hang đá lớn, nhỏ nằm rải rác trên núi có thể làm nơi giấu quân, trú quân rất tốt. Các vị trí có hang được nhóm cắm cờ để định vị.

Đặc biệt, các điểm cao trên núi là nơi có tầm quan sát tốt, có thể bao quát một quãng sông Bạch Đằng chạy dài qua khu vực Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều từ ngã ba sông Giá đến ngã ba Bạch Đằng - sông Chanh rồi sông Đá Bạc, Đá Vách và trục đường bộ chạy dọc men theo dãy Yên Tử.

Các thành viên đoàn quan sát một số hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo sát thực địa tại khu vực Thiên Long Uyển.

“Trận Bạch Đằng năm 1288 là một trận đánh rất lớn. Chiến trường chính là ở sông Bạch Đằng nhưng khó có thể chỉ diễn ra tại duy nhất chỗ đó mà có thể kéo dài trên nhiều đoạn của dòng sông. 600 chiến thuyền quân Nguyên Mông trên sông là con số khổng lồ. Mặc dù quân dân nhà Trần chặn đánh trên đường chúng rút quân nhưng không có nghĩa là chúng đã mất hết sức chiến đấu, không có chuyện chúng cứ ngồi yên chịu chết mà có phản kháng, đánh lại chứ. Sử sách chỉ ghi chỉ huy trận chiến Bạch Đằng giang là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vậy thì hai vua Trần tham gia chiến trận tại đâu, chỉ huy ở khu vực nào, rất có thể chính là ở khu vực Thiên Long Uyển này…” - TS Nguyễn Văn Anh nhận định.

Chúng tôi đã leo lên gần một hang đá ở lưng chừng núi để trải nghiệm. Quả thật, dù trời mùa đông có sương mù khá dày nhưng tầm quan sát từ trên cao rất thoáng, phía không xa là dòng sông Đá Bạc mênh mông như dải lụa trắng ngà uốn lượn thu vào tầm mắt.

Đối diện bên kia sông là khu đầm, thành nhà Mạc. PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn Hà Nội, nhận ra đối diện bên kia sông về phía hạ lưu là khu vực bãi cọc Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mới tìm thấy gần đây. Còn cách một đoạn ngay dưới chân núi bên này là hiện trường khai quật khảo cổ của đoàn…

Bí ẩn những cọc gỗ trên đầm bãi ven sông

Khu vực đầm bãi ven sông này có một tuyến đê lớn bao quanh. Ông Nguyễn Văn Lương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) cho hay, những năm 60 của thế kỷ trước, người dân trong vùng vẫn được huy động đi đắp đê ở khu vực này. Gần đây vào năm 2017, các nhà khảo cổ học của viện Khảo cổ học cũng đã khai quật tại khu vực di tích Đầm Lải, cách khu vực khảo cổ lần này một quãng khá xa nhưng vẫn thuộc vùng đầm bãi phía trong tuyến đê ven sông Đá Bạc kể trên.

Kết quả, đã tìm thấy các cọc gỗ khá lớn, có đường kính dao động từ 19 đến 30cm, nhiều cọc chỉ nằm dưới mặt đầm khoảng 10cm và dài khoảng 100cm, được đóng chắc chắn xuống các lớp đất phía dưới, thậm chí có cọc còn xuyên tới lớp đất sét là tầng đất gốc của vỏ trái đất.

Các nhà khảo cổ đã nhận định, chúng có thể liên quan nhiều hơn đến một hay nhiều công trình kiến trúc ven sông. Kết quả xác định C14 cho thấy, niên đại cọc vào khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên. Điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi những kiến trúc ven sông bằng gỗ hàng nghìn năm tuổi được phát hiện rất hiếm cho đến nay.

Xuống núi, cả đoàn di chuyển theo đường đê ven sông tới 3 khu vực khảo cổ cũng là 3 khu ruộng vốn được người dân khoanh vùng, đắp bờ để trồng cấy hoặc nuôi trồng thủy sản. TS Nguyễn Văn Anh bảo, rất may là bà con mới chỉ đắp bờ để nuôi cá, trồng rau thôi chứ nếu họ đã cải tạo, nạo vét ao rồi thì chắc không còn gì mà tìm nữa.

hiện trường khảo cổ phát lộ cọc đều thuộc các khu ruộng vốn là đầm bãi ven sông trên địa bàn xã Yên Đức.

Quan sát ở cả 3 khu ruộng kể trên, chúng tôi nhận thấy hiện vật quan trọng nhất chính là các cọc gỗ lớn được cắm sâu vào lớp đất bùn. Qua tìm hiểu được biết, nhóm khảo cổ sau khi tháo nước, phải hút lớp bùn đất hoặc hạ độ sâu của ruộng xuống cả chục phân mới xuất lộ cọc. Có lẽ do bùn phủ ngập hoàn toàn đã tạo điều kiện lý tưởng để giữ độ bền vững cho cọc.

Qua phân tích địa tầng, TS Nguyễn Văn Anh nhận định rằng, các cọc đã được đóng bằng phương pháp dộng lắc chứ không phải đào hố để chôn. Các khu ruộng cũng rải rác có những mảnh gốm nhỏ xuất lộ. Đặc biệt, nhóm đã tìm thấy một bộ xương hàm dưới của người trong tầng đất, các răng có màu ngà sáng còn phần hàm ngấm bùn đã chuyển màu đen thẫm…

Không chỉ ở đây, TS Nguyễn Văn Anh chia sẻ, quá trình khai quật khảo cổ, người dân xung quanh cho biết, họ đã tìm thấy không ít vũ khí là các mũi giáo, lao, tên và nhiều đoạn xương người, họ đã đem chôn sau khi tìm thấy…

Một số mảnh vỡ gốm tìm thấy trong địa tầng khảo cổ.

Với những cọc gỗ lớn tìm thấy ở khu vực bãi triều ven sông lần này khiến chúng tôi chợt liên tưởng trở lại với khu vực Đầm Lải. Liệu có phải đây đều là dấu vết của những kiến trúc cổ ven sông từ cả nghìn năm trước còn lại đến hôm nay? Giữa những cọc gỗ này và những bãi “cọc Bạch Đằng” hơn 700 năm trước có mối liên quan gì không, có sự tiếp nối nào chăng..?

Chắc rằng không chỉ những người “ngoại đạo” như chúng tôi băn khoăn mà hẳn là các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, các nhà khảo cổ học tham gia chuyến đi còn đặt ra nhiều những câu hỏi khác nữa.

Dù vậy, ngoại trừ các giả thiết, không ai dám khẳng định điều gì hôm nay. Vì tất cả đều cần nghiên cứu thêm, cần thêm những căn cứ khoa học, trong đó cần kết quả chính xác về niên đại các mẫu vật vốn đang được nhóm khảo cổ gửi đi nước ngoài giám định. Chỉ có vậy, những bí ẩn của lịch sử về vùng đất Thiên Long Uyển này thiết nghĩ mới được giải đáp thấu đáo, có đầy đủ căn cứ khoa học xác thực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật