Từ cặp yến bay lạc, lão nông miệt Gò Công thành tỷ phú

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiền Giang có đàn yến nhà lớn nhất nước, công đầu thuộc về lão nông tri điền Mười Thiết (Trần Văn Thiết) với hàng chục năm nhọc nhằn gắn với nghề nuôi đàn yến miệt Gò Công. Điều đặc biệt, đàn chim yến nhà lão nông Mười Thiết lại được gây dựng từ 1 cặp chim yến bay lạc vào nhà.
Từ cặp yến bay lạc, lão nông miệt Gò Công thành tỷ phú
Ông Mười Thiết giới thiệu sản phẩm yến sào miệt Gò Công. Ảnh: T.Đ

Xem Video: "Vỡ trận" quy hoạch nghề nuôi yến 

//

Tin tỉnh Tiền Giang công bố quy hoạch khu, vùng nuôi chim yến tập trung trên địa bàn, trong đó có xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) nằm trong vùng quy hoạch khiến chúng tôi vội vàng xách ba lô về miệt Gò Công chia vui cùng lão nông Mười Thiết (Trần Văn Thiết). Viễn cảnh phải bê trang trại yến độc nhất xứ Gò của lão nông này đi nơi khác đã không diễn ra.

Mô hình điển hình của tỉnh

Sau cơn mưa trong đêm, con đường từ QL 50 dẫn vào xã Long Bình có đoạn đã trở nên lầy lội. Vượt qua vài đoạn sình lầy, chưa kịp phàn nàn đường sá, chúng tôi đã nghe tiếng yến kêu lít chít dồn dập từ cái loa dẫn dụ yến gắn trên nóc các nhà nuôi yến phát ra.

* Năm 2015, người nuôi yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thu hoạch khoảng 1,3 tấn tổ yến, mang lại nguồn thu hơn 25 tỷ đồng.
* Dự kiến đến năm 2020, người nuôi yến của tỉnh có thể thu hoạch khoảng 1,65 tấn tổ yến, mang lại nguồn thu khoảng 33 tỷ đồng.  

Chen giữa một quần thể dân cư miền biển, hàng chục nhà yến mở máy dụ yến kêu liên hồi chói tai. Trong đó, có cả trang trại yến của ông Mười Thiết. Đi xem một số nơi nuôi yến, tôi chưa bao giờ thấy chủ nuôi yến nào dám treo cái biển “Trang trại yến” như ở đây. Bởi thường mỗi nhà đầu tư chỉ đủ sức xây 1, 2 nhà yến chứ không tập trung 6, 7 cái nhà yến cao 2, 3 tầng như tại trang trại rộng 3.000m2 này.

Giải thích cho việc trưng cái biển “Trang trại yến” lên, ông Mười Thiết cười vui: “Cho khác người chút vậy mà, chứ không có ý hơn thua với ai đâu”. Mà cũng thật khác thường, hàng năm, trong số những đoàn nông dân đến học tập kinh nghiệm nuôi yến, có cả những đoàn nước ngoài đến tham quan trang trại yến này. Giờ trang trại đã trở thành mô hình điển hình nuôi yến trong nhà của tỉnh Tiền Giang. 

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, các huyện ven biển phía Đông của tỉnh Tiền Giang có lợi thế lớn để phát triển nghề nuôi chim yến nhờ điều kiện thủy văn thích hợp, có diện tích rừng ngập mặn, gần biển, nguồn thức ăn dồi dào.

Ông Mười Thiết kể, thập niên 80 thế kỷ trước, ở miệt Gò Công này chưa ai biết giá trị con yến ra sao chứ đừng nói đến việc xây nhà dụ yến vào sống để lấy tổ. “Thời điểm ấy có một cặp chim yến bay vào nhà tôi làm tổ trên cây đà nhà. Cứ vài ba tháng, đám nhỏ nhà tôi lại lấy cây thọc tổ xuống vứt đi, rồi xua đuổi cặp yến ra khỏi nhà. Nhưng nó không bay đi mất mà lại bay vào nhà và làm tổ tiếp” - ông Mười Thiết thổ lộ.

Một lần sau khi thọc lấy tổ yến, ông mang đi hỏi bạn bè và biết rằng đây là tổ yến rất có gái trị kinh tế. Biết chuyện, ông Mười Thiết về nhà mưu sự làm ăn. Ông dọn căn phòng rộng 25m2, rồi gác đà cho chim yến làm tổ. Bạn bè đến nhà chơi, thắc mắc sao gác đà nhiều trong nhà, ông bảo làm vậy cho gác cứng. Ông sửa lại cái cửa sổ cho yến thuận bay vào, ai hỏi, ông bảo cho nhà thoáng gió…

Cứ vậy, hơn chục năm ông Mười Thiết âm thầm gầy nuôi chim yến trong nhà lấy tổ. Suốt thời gian đó, bà con nông dân xã Long Bình không ai biết ông Mười Thiết làm gì. “Cứ khoảng 3 tháng tôi thu được hơn 200g tổ yến giá trị tương đương 3 chỉ vàng lúc đó. Cứ thế chim yến về lưu trú ở khu vực Long Bình ngày càng đông, trong đó có khu vực gia đình nhà tôi” - ông Mười Thiết chia sẻ.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 550 nhà nuôi chim yến, tập trung chủ yếu ở xứ Gò Công (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông). Trong đó, riêng  thị xã Gò Công có khoảng 300 căn nhà yến. Mỗi nhà yến có từ vài trăm con đến vài nghìn con yến đang làm tổ. 
 

Thấy chỗ ở của đàn chim yến ngày càng chật chội và sau thời gian tích góp tài chính, năm 2006, ông Mười Thiết bắt đầu bung ra xây nhà nuôi yến công khai. Người dân miệt Gò Công thấy ông Mười Thiết nuôi yến trong nhà có hiệu quả kinh tế cao cũng học tập đầu tư xây nhà yến. Phong trào đầu tư xây nhà nuôi yến thời điểm này được xem là cực thịnh ở miệt Gò Công.

Ngồi nói chuyện nuôi yến trong nhà của người dân xã Long Bình, ông Đào Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, đánh giá rất cao vai trò gây dựng nghề nuôi yến của ông Mười Thiết. “Ở miệt Gò Công này, ông Mười Thiết là người nuôi yến trong nhà đầu tiên. Trang trại nuôi yến của ông là nguồn cung cấp giống cho khu vực này. 63 hộ nuôi yến ăn nên làm ra trên địa bàn xã cũng từ ông Mười Thiết mà ra. Hiện ông có số nhà nuôi yến nhiều nhất tỉnh” - ông Phong cho biết.

Mở rộng “mỏ vàng trắng”

Hôm chúng tôi đến trang trại yến cũng là lúc lão nông Mười Thiết cho nhân công thu hoạch tổ yến. Giờ cứ 10 ngày, ông cho thu hoạch tổ yến một lần với khoảng 8kg yến thô.

Theo ông Mười Thiết, đầu tư xây dựng nhà nuôi yến cũng như đi xây “mỏ vàng trắng”. Bởi theo ông, đầu tư cho nghề này cần vốn lớn (trung bình 2 tỷ đồng/nhà) nhưng cũng sẽ thu lợi lớn nếu có kinh nghiệm và kiên nhẫn với con yến. Việc xây dựng nhà và chiêu dụ chim yến vào nhà ở phải dựa vào kinh nghiệm. Yến trưởng thành không bao giờ bỏ đàn đi, chỉ những con yến mới ra đàn mới làm việc đó. Vì vậy, việc mở máy phát âm để chiêu dụ chim yến vào ở phải được thực hiện ngay thời điểm chim yến ra đàn, nếu không số lượng chim yến vào ở rất ít và hiệu quả mang lại sẽ không cao.

Chưa kể, xây dựng nhà dẫn dụ chim yến vào ở đã khó, việc tạo môi trường cho chim yến sinh sôi nảy nở lại càng khó hơn. Điều này cần khoảng thời gian khá dài nên những người có vốn ít, cầm cự thời gian lâu rất dễ bỏ cuộc. Kinh nghiệm cho thấy, nếu nhà yến được xây ở khu vực có chim yến ở đông có thể 7 năm thu hồi vốn, còn nơi ít chim yến phải mất khoảng 10 năm mới có thể hoàn vốn.

 “Quy mô xây dựng nhà yến tùy thuộc vào túi tiền của mỗi hộ nuôi, nhưng ít nhất nhà yến  phải lên “2 tấm”, bởi khi có yến vào ở thì chủ nhà không thể xây cao thêm vì nếu làm thế sẽ động, chim yến bỏ đi. Chưa kể, phải tính toán làm sao để dễ dàng mở rộng quy mô khi cần thiết”, ông Mười Thiết cho biết.

Đã có lúc, lấy lý do quy hoạch, cơ quan chức năng có ý định di dời trang trại yến của ông Mười Thiết. Giờ ngồi nói chuyện này, ông vẫn giãy nảy: “Mấy ông ý nói như đùa, nhà nuôi yến chứ đâu phải cái chuồng chim câu mà muốn đem đi đâu thì đem. Tôi tính, tổng đàn yến trang trại này có hơn 500.000 cá thể, cứ bồi thường 5 triệu đồng/con, tôi sẽ giải tán trang trại”.

Giờ biết tin xã Long Bình nằm trong khu vực quy hoạch được xây dựng nhà nuôi yến, ông Mười Yến mừng thầm rồi rục rịch cho triển khai tiếp việc mở rộng trang trại yến thời gian qua bị “đóng băng”. “Tôi dự định bỏ thêm chục tỷ  đồng để làm dãy nhà 4 tấm với diện tích 1.000m2 để mở rộng thêm trang trại. Tiềm năng nuôi yến để lấy tổ còn lớn lắm” - ông chia sẻ.

Cũng theo ông Mười Thiết, chất lượng tổ yến của Gò Công được đánh giá cao hơn hẳn so với tổ yến của các nước trong khu vực nên giá bán cũng cao hơn. Ông Mười Thiết đã đầu tư cơ sở sơ chế yến sào tại thị xã Gò Công và đăng ký nhãn hiệu yến sào thiên nhiên. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật