Một tấm lòng nhân ái giữa đời

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ đầu năm 2020 đến nay, ông Lâm Hùng, 65 tuổi, chủ quán bún bò 199 ở TP.Biên Hòa đã nhận 10 “người dưng” để nuôi ăn, ở và giúp đỡ việc học. Việc hỗ trợ, nuôi “người dưng” ăn học ông đã làm từ gần 20 năm nay.
Một tấm lòng nhân ái giữa đời
Ông Lâm Hùng trong sinh hoạt thường ngày

Xem Video: Những tấm lòng nhân ái

* Thương cảm trước những mảnh đời nghèo khó

Đậu 3 trường đại học, em Huỳnh Văn Duy, sinh năm 1999, ngụ H.Mộc Hóa, tỉnh Long An đã chọn đầu quân vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Nhưng đến năm học thứ 2, Duy phải bỏ dở việc học vì gia đình quá nghèo, không thể trang trải mọi chi phí học tập.

Như một nhân duyên, Duy đã tìm đến gặp ông Hùng để nhờ sự giúp đỡ. Lúc gặp ông Hùng, Duy chỉ còn 8 ngàn đồng trong túi và phải đi bộ hàng chục cây số mới đến được nhà ông Hùng. Sau khi nhận nuôi ăn, ở, ngay ngày hôm sau, ông Hùng cùng Duy lên Q.6, TP.HCM để chuộc sách vở, giấy tờ cho Duy vì bị “cò” việc làm giữ do Duy không có tiền trả phí dịch vụ. Sau đó, ông Hùng đưa Duy về nhà để thăm gia đình và tìm hiểu gia cảnh của Duy.

Hơn 1 tháng nay, Duy trở lại TP.Biên Hòa ở nhà ông Hùng và tìm cách để đi học lại. Ngày đầu tháng 12, ông Hùng và Duy trở lại Trường đại học Bách khoa TP.HCM để xin chuyển xuống hệ cao đẳng học; Duy cũng đã nghĩ đến việc tìm chỗ học trường nghề ở Đồng Nai. “Em mong học trường nào nhanh ra trường để kiếm tiền” - Duy chia sẻ.

Nhiều năm nay, ông Hùng chủ động đi tìm “những đứa con” hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Ông Hùng kể, ông thường đọc báo rồi liên hệ trực tiếp để tìm đến những hoàn cảnh khó khăn. Trong lần đọc bài viết về hoàn cảnh của em Hồ Hữu Hoàng, sinh năm 1996, ngụ H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, ông Hùng không khỏi xúc động. Cha của Hoàng mất trong một tai nạn đá nổ, mẹ thì xuất khẩu lao động, còn em gái bị đuối nước. Một mình Hoàng phải đi bán cá để duy trì cuộc sống. “Tôi nhờ người quen tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh mới biết Hoàng học rất giỏi, hoàn cảnh đúng như bài báo viết. Lúc ấy, Hoàng mới học lớp 9. Tôi đã bàn với mẹ của Hoàng qua điện thoại là phải để cháu tiếp tục học” - ông Hùng kể.

Dù chưa gặp mặt trực tiếp nhưng mỗi tháng ông Hùng gửi 1 triệu đồng để Hoàng học tập và sinh hoạt. Năm 2012, khi học lớp 10, mẹ con Hoàng vào TP.Biên Hòa gặp ông Hùng. Thấy Hoàng cần máy tính để tiện cho việc học, ông Hùng không chần chừ đưa em đi mua ngay 1 chiếc máy tính và xe đạp để Hoàng đi học. “Khi học xong lớp 12, tôi hỏi nguyện vọng của con muốn học ngành gì?, cháu đã chọn học sĩ quan quân đội thay vì học y. Học giỏi, cháu nhận được học bổng du học ở Nga và giờ đã 7 năm. Thỉnh thoảng, Hoàng về nước vẫn đến nhà tôi ở. Cháu có dự định sẽ vào TP.HCM làm việc sau khi đi du học để tiện đường thỉnh thoảng về thăm tôi” - ông Hùng xúc động nói.

* Cha nuôi của những người con “chim cánh cụt”

Không chỉ giúp đỡ những sinh viên nghèo tiếp tục con đường học tập, ông Hùng hiện có 3 người con nuôi bị khuyết 2 tay. Kể lại hành trình tìm các con, ông Hùng không giấu được xúc động.

Đầu năm 2020, vô tình xem chương trình trên YouTube Vì bạn xứng đáng và gặp anh Nguyễn Minh Trí, quê ở An Giang. Video kể câu chuyện về cậu sinh viên Minh Trí không có 2 tay, phải tự mình làm hết tất cả công việc bằng chân. “Tôi xem mà xúc động và thắc mắc: Nó làm sao sinh hoạt, làm sao mà một năm học xong chương trình hai lớp, lại còn được học sinh giỏi? Vừa xem, tôi vừa khóc cả đêm và quyết tâm tìm bằng được cậu bé ấy” - ông Hùng kể.

Chia sẻ về hành động của mình suốt nhiều năm qua, ông Lâm Hùng nói: “Ông trời cho mình sức khỏe, lành lặn để làm ăn là sự ưu ái. Dù có nhiều tiền, chúng ta cũng chỉ ăn 3 lần mỗi ngày nên chia sẻ cho những người khó khăn hơn cũng là niềm vui”. Ông Hùng dự định sẽ để lại toàn bộ gia sản cho các con nuôi để tiếp tục buôn bán và giúp đỡ những sinh viên nghèo khi ông qua đời. “Ngày còn đi học, tôi nhớ câu nói: “Địa ngục được lót bằng thiện ý”. Nghĩa là, con người luôn có ý định làm việc thiện nhưng lại hay hẹn và mang thiện ý xuống đến địa ngục vẫn chưa làm. Do đó, làm việc thiện phải làm ngay, không hứa hẹn” - ông Hùng chia sẻ.

Sáng hôm sau, ông chủ quán bún bò nhờ người đi tìm Minh Trí. Ông Hùng liên hệ đến Trường đại học An Giang - nơi anh Trí học đại học mới biết, anh Trí đã 28 tuổi, tốt nghiệp được 4 năm và có công việc ổn định ở Bình Dương. Ông lại tiếp tục tìm kiếm. 3 ngày sau nhờ người đăng thông tin tìm kiếm anh Trí lên mạng xã hội, anh Trí đã chủ động gọi điện cho ông Hùng. Ngay hôm sau, ông Hùng tìm đến nhà trọ ở Bình Dương thăm anh Trí. Qua câu chuyện, ông biết thêm Trí có người yêu đã 6 năm nhưng chưa dám tổ chức đám cưới, phần vì chưa để dành đủ tiền, phần vì nhà gái chưa chấp thuận vì có chàng rể không tay.

Không phân vân, ông Hùng về quê của anh Trí và người yêu anh Trí để thuyết phục nhà gái đồng ý tổ chức đám cưới. Ông Hùng cũng hứa sẽ lo hết toàn bộ chi phí đám cưới của cả hai nhà, sính lễ và lo cả chi phí học hành cho con của vợ chồng anh Trí sau này. Ông về quê gặp gỡ hai gia đình để tác hợp cho đôi trẻ. Cuối tháng 10 vừa qua, một đám cưới với 30 bàn tiệc nhà trai, 11 bàn tiệc nhà gái, trang sức tặng cô dâu… trị giá hơn 100 triệu đồng đều một tay ông Hùng lo liệu cho đôi trẻ.

Mới đây, ông Hùng vừa nhận thêm cậu bé “chim cánh cụt” - không có 2 cánh tay làm con nuôi. Đó là em Hồ Hữu Hạnh, sinh viên năm nhất Trường đại học Lạc Hồng. Sinh năm 2000 tại xã Gia Canh, H.Định Quán, em Hồ Hữu Hạnh bị khuyết 2 cánh tay từ khi sinh ra. Em đã dùng đôi bàn chân thay tay để làm tất cả các công việc từ chăm sóc bản thân đến làm việc nhà hay học tập. Khi biết về trường hợp của em, ông Hùng đã chủ động liên hệ với Trường đại học Lạc Hồng để tìm gặp em. 

* Tiếng lành đồn xa

Dù mới gặp cha nuôi chưa lâu, nhưng Hữu Hạnh rất thân thiết với ông. Em gọi ông Hùng là ba ngay khi ông nhận em là con nuôi. Hữu Hạnh tâm sự: “Em gặp được ba nuôi cũng như một cái duyên. Em thấy mình rất may mắn vì ba em là người rất nhân từ, chiều em. Ba sợ một mình em không tự lái xe đi học được nên nuôi thêm 1 người bạn đến ở phụ em”.

Ông Lâm Hùng và cậu con nuôi Hồ Hữu Hạnh. Ảnh: Bích Nhàn

Tiếng lành đồn xa, biết được việc làm thiện nguyện của ông Hùng, mới đây, một người đàn ông ở Hà Nội đã chủ động liên hệ với ông Hùng để góp phần giúp đỡ những sinh viên nghèo. Ông Hùng cho hay, khi nhận được điện thoại của người đàn ông này, ông Hùng rất bất ngờ và e ngại khi nhận tiền của họ. Vì từ trước tới nay, ông có bao nhiêu thì giúp người khác bấy nhiêu, không lấy tiền của ai. Nhưng trước sự nhiệt tình muốn cùng ông làm công việc thiện nguyện của người đàn ông này, ông Hùng đã nhận số tiền 3 triệu đồng. Vài ngày tới, ông cũng ra Hà Nội để 2 người gặp mặt nhau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật