Cặp vợ chồng hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ, Tết không dám mời người thân đến nhà

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mang tiếng lấy chồng phố cổ Hà Nội nhưng bà Sâm vẫn nói vui rằng “lấy cái khổ” vào người. Hơn 30 năm qua kể từ khi làm dâu, bà không dám mời anh em nội ngoại đến nhà bởi hai vợ chồng hằng ngày vẫn đang chung sống trên nóc… nhà vệ sinh.
Cặp vợ chồng hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ, Tết không dám mời người thân đến nhà
Ảnh minh họa

"Ở phố cổ nhưng khổ hơn nhà quê!"

Phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn được mệnh danh là con phố sầm uất bậc nhất ở phố cổ Hà Nội bao năm qua. Nơi đây từ nhiều thập niên tới nay cảnh giao thương, buôn bán diễn ra vô cùng tấp nập… Thế nhưng, ẩn sau những ngôi nhà, cửa hàng khang trang có cặp vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sâm (76 tuổi) suốt hơn 30 năm chung sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng.

Ngôi nhà chật hẹp rộng khoảng 8m2 của vợ chồng ông Hải rất đặc biệt khi được xây dựng trên phần nóc nhà vệ sinh, lọt thỏm sâu trong ngõ 107 phố Hàng Bạc tối om. Thấy có người vào, vợ chồng ông tỏ ra ngạc nhiên vì lâu lắm rồi ít ai lui tới đây. Có chăng chỉ là những người chung sống trong khu ngõ hằng ngày tập trung tắm rửa, sinh hoạt… 

Ngôi nhà vợ chồng ông Hải sinh sống ngay trên nóc nhà vệ sinh công cộng ngõ 107 phố Hàng Bạc.

"Hằng ngày, cứ sáng sớm hoặc tối, mọi người tắm rửa xối nước ầm ầm dưới nhà vệ sinh. Lúc nào bên dưới cũng ẩm ướt thế mà tôi sống ở đây hơn 40 năm, còn vợ con thì cũng đã chung sống với tôi hơn 33 năm", ông Hải cười ngượng.

Tiếp lời chồng, bà Sâm cười bảo "ở phố cổ nhưng khổ hơn nhà quê". Năm nay tuổi đã cao nhưng ông Hải hằng ngày vẫn đi làm bơm vá, sửa chữa xe đạp tại phố cổ. Còn bà Sâm trước đây hằng ngày cõng gánh bún riêu đi bán, lo cho các con ăn học nên người. Trải qua trận ốm sức khoẻ bà Sâm sa sút rất nhiều nên 4 năm nay con cái không cho đi làm, động viên bà ở nhà nghỉ tuổi già.

Do công việc không ổn định nên bao năm qua vợ chồng ông bà không dám mơ ước ở đâu đành sống "an phận" tại nóc nhà vệ sinh này. Hằng ngày đủ thứ mùi bốc lên khiến ông Hải cùng vợ con mất ngủ nhưng chẳng biết phải làm sao.

Vợ chồng ông Hải trong ngôi nhà lụp xụp, cũ nát.

"Gia đình tôi là chăm dọn nhà vệ sinh nhất khu tập thể, vì mình ở trên đầu mà không dọn thì ở sao được. Lịch cố định của tôi hàng ngày là trước mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ, bao giờ tôi cũng phải xuống dọn dẹp sạch sẽ sau đó mới tạm yên tâm chợp mắt", ông Hải nói.

Chia sẻ với khách, ông Hải kể vốn là trai phố cổ "chính hiệu". Trước đây bố mẹ ông để lại cho 8m2 đất. Sau ông cơi nới hết cỡ được 10m2. Thời trai trẻ ông tham gia chiến trường, lo làm ăn nên mãi hơn 50 tuổi mới lập gia đình. 

"Hồi đó có người mai mối cho tôi với vợ bây giờ. Họ bảo không lấy vợ đi còn chờ tới bao giờ. Lúc đầu tôi cũng mặc cảm lắm vì mình mang tiếng trai phố cổ nhưng nhà chẳng có phải ở nóc nhà vệ sinh. Nhưng sau kệ cứ đến cùng bà mối gặp gỡ xem, ai ngờ nên duyên với bà nhà tôi thật", ông Hải chia sẻ.

Hơn 50 tuổi ông Hải mới lập gia đình.

Nghe chồng nói, bà Sâm chỉ biết thở dài. Bà kể: "Ai cũng bảo tôi dũng cảm mới dám về đây sống. Kể từ khi lấy ông ấy về đây, tôi xác định số phận mình khổ cả đời rồi".

Do đường tình duyên lận đận nên 37 tuổi bà Sâm mới lấy chồng. Bà vốn quê làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trước đây thì con gái có chút nhan sắc, được nhiều người mai mối nhưng bà cũng chẳng ngó ngàng, để ý tới ai. Hằng ngày chỉ biết cặm cụi thân con gái làm cả mẫu ruộng phụ giúp cha mẹ. Thời gian cứ thế trôi đi đến khi "quá lứa lỡ thì" bà mới lo. Ở quê mọi người vẫn nghĩ bà "ế". 

"Khi đó do tuổi đã cao rồi được mai mối ông nhà tôi. Hồi đó tôi chỉ biết ông ấy sống ở phố cổ Hà Nội. Tôi cũng chẳng quan tâm đến gia đình, nhà cửa của người bạn đời ra sao và chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới. Ông ấy về nhà tôi một hai lần chia sẻ tuổi đời cũng đã lỡ thì nếu được thì cả hai nên duyên vợ chồng. Hồi đó nghe xong tôi cũng gật đầu đồng ý", bà Sâm kể lại. 

Đêm tân hôn "chạy mất dép" và hơn 30 cái Tết không dám mời người thân tới nhà

Khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả vượt quá sức tưởng tượng của bà. Được chồng chỉ trên nóc nhà vệ sinh là nơi vợ chồng sinh sống khiến bà Sâm bị "choáng, không tin vào mắt mình".

Lối cầu thang lên xuống ngôi nhà.

Bà nhớ lại: "Khi đó trời cũng tối rồi, tôi choáng quá. Cứ nghĩ lấy chồng phố cổ ít nhiều sẽ có giường tân hôn đẹp đẽ ai ngờ mình lại đúng trong hoàn cảnh này. Đêm tân hôn tôi khóc nức nở bỏ về nhà bà dì ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Tại đây, người thân nói tôi lấy chồng thì phải theo chồng, sướng hưởng khổ chịu. Phận con gái giờ công việc đã xong phải chấp nhận thôi. Nếu tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì mang tiếng, xong mọi người động viên tôi quay về nhà chồng".

Những tưởng lấy được vợ nhưng đúng đêm tân hôn ông Hải phải chịu cảnh ở một mình. Cả đêm ông không chợp mắt nổi cứ quanh quẩn ở trong nhà. Ông nghĩ: "Nếu họ không chấp nhận thì đành chịu, sống trong hoàn cảnh này biết sao được. Cùng lắm mình lại quay lại cảnh sống một mình". Sau 1 đêm suy nghĩ, bà Sâm đã quay về với ông Hải và "liều" sống trên nóc nhà vệ sinh. Cả hai vợ chồng động viên nhau vượt qua.

Bà Sâm bảo mang tiếng làm dâu phố cổ nhưng khổ trăm đường.

Về nhà, bà Sâm phải dọn dẹp đúng gần nửa tháng. Nghĩ cảnh vợ chồng chỗ ở bí bách, khổ cực trăm phần, ông Hải sau đó cũng bán bớt đồ đạc cơi nới thêm giường để vợ chồng có chỗ chui ra chui vào. Ông quan niệm chỗ ở quan trọng đến cuộc sống lắm chứ không phải mỗi tình yêu, sự dũng cảm nữa.

Sau 33 năm chung sống trên nóc nhà vệ sinh tập thể, ông Hải và bà Sâm có với nhau 2 người con. Đến nay con trai bà Sâm đã lập gia đình và sinh 1 đứa cháu, con gái cũng đã học xong và đang đi làm. 

Cuộc sống nhiều lúc bí bách, vợ chồng ông Hải cũng không tránh những chuyện tranh cãi. Có lúc mọi chuyện trở nên căng thẳng tột độ, thế nhưng sau đó nghĩ đến con cái cả hai đành nín nhịn nhau để sống. Gia cảnh khó khăn, nhà không nên hồn nhà nên ngay từ khi các con đến tuổi trưởng thành, bà Sâm đã động viên tư tưởng và khuyên các con không nên giấu diếm về cuộc sống gia đình. Do con trai có cháu nhỏ chỗ ở lại chật hẹp nên bà khuyên vợ chồng con ra ngoài ở riêng. Hiện ngôi nhà này có vợ chồng bà và cô con gái đã đến tuổi trưởng thành.

"Vợ chồng tôi bảo với các con cuộc sống bố mẹ tuy nghèo khó nhưng luôn tử tế. Bố mẹ đã vất vả cả đời không lo cho các con nơi ở ổn định. Tuy nhiên, lo cho con ăn học nên người nên phải cố gắng để sau đỡ khổ. Kể ra chẳng hay ho gì nhưng cuộc sống gia đình tôi như vậy rồi. 

Các con khi có người yêu cũng ngại ngần không dám về ra mắt vì sợ người yêu thấy cảnh này. Tôi bảo các con là cứ nói cho người mình yêu hoàn cảnh gia đình mình như thế nếu yêu thì xác định. Nếu người ta hiểu và đồng ý thì mới sống được với nhau. Con dâu tôi bây giờ rất hiểu và thông cảm cho cuộc sống gia đình, còn đứa con gái út vì ngại nên bao năm qua không dám dẫn bạn tới nhà. Chắc cuộc sống gia đình thế này nên nó cũng ngại", bà Sâm tâm sự.

Đồ nghề ông Hải làm nghề bơm vá.

Kể về cái Tết đang kề cận, bà Sâm bảo gia đình cũng không sắm sửa gì nhiều. Gần Tết bà được người em gói cho 10 chiếc bánh chưng gửi lên. Vợ chồng mua cân giò, vài đồ dùng là đủ cho Tết.

"Kể từ khi lấy chồng hơn 30 năm nay tôi không dám mời người thân đến chơi. Nghĩ cảnh nhà không ra nhà thế này nên vợ chồng tôi cũng mặc cảm. Tết hằng năm con trai đưa vợ con sang chơi, ăn cơm một hôm rồi chúng nó đi chúc Tết. 

Hằng ngày ông Hải liên tục phải lau dọn nhà vệ sinh.

Con gái thì nó cũng đi làm xuyên mấy ngày Tết. Hai vợ chồng tôi thì dành 1 ngày tranh thủ về quê ngoại thắp hương gia tiên, chúc Tết anh chị em trong nhà. Thế rồi hai vợ chồng lại quanh quẩn ở đây. Tết năm nào cũng có vợ chồng người cháu đến chơi xong cuối cùng chỉ côi cút hai vợ chồng", bà Sâm kể tiếp.

Chính vì nhà chật hẹp nên vợ chồng ông Hải cũng hạn chế chơi với bạn bè. Ông cũng khao khát có người ghé tới chơi, thăm nom nhưng rồi tự an ủi "mình ở như vậy thì ai dám đến chơi với mình. Thôi vợ chồng hằng ngày cứ bầu bạn với nhau". Nói rồi ông Hải lại lủi thủi bước xuống dưới lau dọn toàn nhà vệ sinh. Công việc của ông lão cứ thế ngày qua ngày tiếp diễn cho tới khi cuối đời mình…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật