Chắc tay chèo, giành vinh quang

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không ồn ào như các môn thể thao mũi nhọn khác, trong vài năm gần đây, các VĐV môn đua thuyền của Quảng Ninh đã “lặng lẽ” góp mặt trong các kỳ đại hội, các giải thi đấu lớn và gặt hái không ít vinh quang cho thể thao Vùng mỏ. Nguyễn Thị Đào là một trong số những vận động viên như thế.
Chắc tay chèo, giành vinh quang
Nguyễn Thị Đào giành 2 HCV và 1 HCB tại Giải Đua thuyền vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á 2019 tổ chức tại Thái Lan. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô gái trẻ quê Thanh Hóa đã không ít lần mang về cho thể thao Quảng Ninh những chiếc huy chương vàng quý giá. Hành trình của Nguyễn Thị Đào từ khi chỉ là một VĐV vô danh đến khi trở thành thành viên của đội tuyển đua thuyền quốc gia dự Seagames là một câu chuyện dài truyền đi nhiều cảm hứng tích cực. Đào sinh năm 2001 ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Mẹ mất từ khi em mới 4 tuổi, chị gái lập gia đình ở xa, bố đi bước nữa, cuộc sống của cô bé Đào những tháng ngày ấy vất vả đến độ phải đi ăn nhờ từng bữa.

Có lẽ chính sự vất vả ấy đã tôi rèn cho Đào ý chí quyết tâm vươn lên.

“Cô Tuyết (HLV Cao Thị Tuyết, Trung tâm Lặn, cứu nạn và thể thao dưới nước Quảng Ninh) ở gần nhà em, thấy hoàn cảnh em khó khăn quá, cô động viên em ra dự tuyển vào đội tuyển đua thuyền của Quảng Ninh. Lúc đầu cũng bỡ ngỡ lắm, nhưng nghĩ rằng tìm được một con đường cho mình, biết đâu cuộc sống khá hơn nên em lại quyết tâm” - Đào chia sẻ về những tháng ngày đầu tiên về Quảng Ninh.

Nhìn thấy tiềm năng phát triển của Đào, em nhanh chóng được các huấn luyện viên nhận vào lớp năng khiếu. Đối với các môn thể thao, để đạt được thành tích, có vinh quang, mỗi VĐV phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự khổ luyện. Đua thuyền cũng vậy, nhưng không “ồn ào” như những môn khác. Có thể nói, đua thuyền là một trong những môn thể thao đòi hỏi VĐV cần có một thể lực khá cao và đó cũng chính là tố chất lớn nhất giúp Đào vươn lên, dần đạt vị trí cao trong các kỳ thi đấu. Theo đánh giá của các huấn luyện viên, Đào có thể hình tốt, sức bền và đặc biệt là cực kỳ kiên nhẫn.

Là một trong những VĐV nhỏ tuổi nhất của đội tuyển đua thuyền Quảng Ninh, song Đào lại nằm trong “top” chịu khó luyện tập nhất ở đội. Không quản nắng mưa, những ngày hè nắng rát bỏng tay hay những chiều đông lạnh căm gió rét, Đào vẫn đều đặn luyện tập.

Sự rèn luyện đã mang tới cho Đào sự thành thạo và kỹ năng tốt, bên cạnh đó em đạt tới tốc độ cao với tần số hơn 100 chèo/phút.

Nguyễn Thị Đào và đồng đội giành HCV Giải đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch trẻ quốc gia năm 2020. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tham gia tập luyện từ cuối năm 2013, đến năm 2015, Đào mới đủ tuổi tham gia thi đấu giải đầu tiên là Giải Canoeing vô địch trẻ quốc gia ở lứa tuổi 15-18. Lần đầu ra quân, Đào đã xuất sắc giành HCV cự ly đua thuyền K4. Đến năm 2017, tại Giải vô địch trẻ toàn quốc, Đào tiếp tục giành được HCV cự ly thuyền K4 (cùng các VĐV Lường Thị Dung, Bàn Thị Lý, Lê Thị Hoàng Mai) cự ly 1.000m và thuyền K2 cự ly 200m (cùng với Lường Thị Dung)…

Đặc biệt, tại Giải vô địch trẻ Đông Nam Á, Đào giành 2 HCV ở các nội dung thuyền K2 cự ly 1.000m, thuyền K4 cự ly 1.000m và 1 HCB ở nội dung thuyền K2 cự ly 200m. Năm 2020, Nguyễn Thị Đào tiếp tục gặt hái thêm thành công với các  HCV tại Giải vô địch trẻ quốc gia và Vô địch các CLB toàn quốc. Đáng chú ý là ở tất cả các lần thi đấu, Đào đều là người “dẫn chèo”. Tố chất thủ lĩnh, kinh nghiệm thi đấu dạn dày, chiến thuật tốt, cũng như khả năng kết nối các thành viên trong đội, đã giúp Đào định hướng thành công cho cả các VĐV lớn tuổi hơn trên các đường đua. 

Nguyễn Thị Đào và những tháng ngày nỗ lực trên đường đua xanh. (Ảnh NV cung cấp)

Hiện, Đào đang ngày đêm nỗ lực tập luyện cùng đội tuyển quốc gia tham dự Seagames 31, tại Sông Giá, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng).  Em khẳng định sẽ tiếp tục theo môn đua thuyền "Bởi đua thuyền thật sự đã mang tới cho em một cuộc sống mới, cho em được gặp những người chị, em, thầy cô mà em coi như gia đình thứ hai của mình..." - Đào chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật