Khó khăn trong di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề bức thiết, bởi các cơ sở này đang gây ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Khó khăn trong di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Ông Nguyễn Văn Tuyển (thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn) lo lắng kinh phí di chuyển cơ sở chăn nuôi tốn kém.

Thành phố Lào Cai là đô thị trung tâm của tỉnh với hầu hết phường nằm trong khu vực không được phép duy trì cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, tình trạng các hộ xây chuồng trại chăn nuôi ngay tại nhà riêng ở giữa các khu dân cư vẫn diễn ra.

Dù mới bắt đầu mùa nắng nóng nhưng nhiều hộ ở tổ 1, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) đã phải mất ăn, mất ngủ vì mùi hôi nồng nặc phả ra từ chuồng lợn của gia đình ông Bùi Văn Thơ. Không ít lần các hộ đã ý kiến để ông Thơ dừng nuôi lợn, thậm chí phải báo cáo UBND phường xuống giải quyết.

Ông Nguyễn Trường Thuyết, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu dân cư tổ 1, phường Pom Hán cho biết: Tổ có 3 hộ còn chăn nuôi lợn, riêng gia đình ông Bùi Văn Thơ là nuôi nhiều nhất, bình quân mỗi lứa khoảng 20 - 30 con lợn. Do chuồng trại của các hộ chăn nuôi đều nằm ở trong khu dân cư nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong tổ. Tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận khu dân cư đã đến tuyên truyền, vận động nhưng các hộ chưa chấp hành.

Trên địa bàn phường Pom Hán hiện có 54 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm trong khu dân cư. UBND phường đã tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở chăn nuôi dừng hoặc di chuyển chuồng trại ra khỏi khu dân cư nhưng chưa hiệu quả.

Còn tại phường Duyên Hải, tình trạng các hộ chăn nuôi ngay tại nhà riêng ở giữa khu dân cư cũng diễn ra tương tự. Nhiều hộ đã đề nghị UBND phường và cơ quan chức năng thành phố có biện pháp xử lý một số cơ sở chăn nuôi lợn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt tại tổ 6, các hộ đã có đơn yêu cầu UBND phường tổ chức kiểm tra, đình chỉ cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Vũ Huy D. Qua kiểm tra, UBND phường xác định cơ sở chăn nuôi lợn của hộ ông Vũ Huy D. gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu dừng hoặc di chuyển cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông D. chưa chấp hành.

Khu chăn nuôi của một gia đình ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Duyên Hải, trên địa bàn phường có 18 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm trong khu dân cư. Từ đầu năm 2021, UBND phường đã có thông báo đến từng hộ, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dừng hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn, như việc chăn nuôi lợn, gia cầm đang là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, nếu phải dừng chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ; nếu di dời thì phường cũng không có quỹ đất làm khu chăn nuôi biệt lập.

Ông Phạm Tuấn Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cho biết: Trên địa bàn hiện có 134 cơ sở chăn nuôi (đa số là nuôi lợn và gia cầm) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi của 9 xã, phường. Qua đối thoại, đa phần hộ dân đề nghị có thời gian để chuyển đổi nghề và đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi.

Huyện Văn Bàn có ít cơ sở chăn nuôi (9 cơ sở) phải di chuyển hoặc ngừng hoạt động vì nằm trong khu dân cư không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai di dời vẫn dậm chân tại chỗ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyển (khu dân cư Nà Trang, thị trấn Khánh Yên) có trang trại nuôi khoảng 200 - 300 con lợn/năm. Gia đình ông đã đầu tư công trình biogas xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhưng vào những ngày thời tiết oi, các hộ trong khu dân cư vẫn phàn nàn về mùi hôi từ khu chăn nuôi của gia đình ông gây ra. Đầu năm 2021, gia đình ông Tuyển được UBND thị trấn vận động di chuyển khu chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư nhưngvì thiếu vốn, việc tìm quỹ đất phù hợp rất khó khăn nên ông vẫn chưa thể lên phương án di chuyển.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Huyện sẽ rà soát, thống kê số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm xen ghép trong khu dân cư để di chuyển trước, tiếp đó sẽ vận động, tuyên truyền, di dời các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua khảo sát cho thấy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp gắn với cuộc sống sinh hoạt nên đa phần không muốn di dời đi nơi khác.

Theo rà soát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết quý I/2021, trong số 91.121 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh, có 387 hộ có cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung của Luật Chăn nuôi. Đến nay, việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc do đặc thù của tỉnh là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư, các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của Luật Chăn nuôi nhằm tạo sự đồng thuận cao. Cùng với đó, các địa phương cần dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung cho người dân có nhu cầu di chuyển cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật