Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng học trường Y

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam vừa qua đời tại Hà Nội. Ông hưởng thọ 89 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng học trường Y
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) trong lần ra mắt Chuyện ngõ nghèo

Nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh, độc giả các thế hệ nhớ đến ngay những tác phẩm đã làm nên thương hiệu của ông như: Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Chuyện ngõ nghèo…Các tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã giành được những giải thưởng danh giá. Hồ Quý Ly đạt giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 và Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001; Mẫu Thượng ngàn đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông từng học Đại học Y Hà Nội đến năm 1952 đi bộ đội, từng dạy học ở Trường sĩ quan Lục quân. Sau này ông chuyển về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông cũng từng làm việc cho báo Thiếu niên Tiền phong trước khi “nghỉ hưu non” năm 1973. Nguyễn Xuân Khánh cũng là tác giả đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.

Bên cạnh đó, cuốn Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao giải Sách hay lần thứ 8 hạng mục Sách văn học. Tác phẩm ra đời năm 1981 - 1982, song đến năm 2016 mới được Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học phát hành. Ban đầu, truyện có tên là Trư cuồng. Sách từng không được xuất bản vì miêu tả một giai đoạn xã hội xuống dốc do ảnh hưởng của chế độ bao cấp, độc giả thời đó chỉ có thể chuyền tay nhau đọc lén.

Ba tiểu thuyết đỉnh cao trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Ngoài việc sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh còn dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng: Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Bảy ngày trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông, Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ... Dành cả cuộc đời cho sáng tác văn học và dịch thuật, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được các đồng nghiệp, các thế hệ cây bút trẻ ngưỡng mộ, yêu mến. Với độc giả, Nguyễn Xuân Khánh cũng là cái tên gần gũi, với những tác phẩm đỉnh cao mà không dễ cây bút nào có thể chạm đến được.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học Lại Nguyên Ân: Không phải “nhà văn cán bộ”, “nhà văn chiến sĩ”, chỉ tự thể hiện như một công dân Việt bình thường viết văn, nhưng tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh lại giành được sự thừa nhận giá trị bởi dư luận văn học chính thống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật