Thực hư chuyện chàng trai 17 tuổi “mượn 300.000 đồng, ăn mì tôm 19 ngày”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện nam thanh niên 17 tuổi quê Lạng Sơn mắc kẹt trong vùng phong tỏa ở Bắc Giang phải mượn 300.000 đồng mua mì tôm ăn dè 19 ngày, bán điện thoại khiến nhiều người đồng cảm. Sự thực đằng sau là gì?
Thực hư chuyện chàng trai 17 tuổi “mượn 300.000 đồng, ăn mì tôm 19 ngày”
Đại diện chính quyền, MTTQ TP Bắc Giang đến động viên, chia sẻ và xác minh thông tin tại nhà trọ của anh Lương Ngọc H. (áo vàng) - Ảnh: SỸ LONG

Những ngày này, các tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin nam công nhân 17 tuổi quê Lạng Sơn xuống xã Tân Tiến, TP Bắc Giang ở trọ và làm thời vụ ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). 

Theo câu chuyện, do mới đi làm thời vụ, dịch COVID-19 bùng phát, anh này chưa được nhận lương nên mượn 300.000 đồng để mua một thùng mì ăn dè sẻn trong 19 ngày, hết mì phải uống nước trừ bữa.

Sau 21 ngày cách ly y tế, anh này mang điện thoại đi bán lấy tiền mua thùng mì nữa. Thấy tay chân thanh niên này run lẩy bẩy, người dân hỏi thì được cho biết mấy hôm nay không có gì ăn.

Thông tin trên khiến dư luận xôn xao, nhiều người chưa tìm hiểu sự việc đã lên án chính quyền ở khu phong tỏa thiếu quan tâm, không cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và tự thân đến ủng hộ cho chàng trai trên. 

Sáng 13-6, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Ngô Sỹ Long - trưởng ban dân vận, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Bắc Giang. 

Ông Long cho biết người thanh niên tên Lương Ngọc H. (sinh năm 2004, quê Lạng Sơn), làm nghề tự do gần khu công nghiệp, không phải công nhân do chưa đủ tuổi, trọ tại nhà bà Tăng Thị Tính ở xã Tân Tiến, TP Bắc Giang. Anh H. ở trong khu vực phong tỏa "nội bất xuất ngoại bất nhập" nên ăn mì gói nhưng không phải vì không có thực phẩm mà do không biết nấu cơm.

Ông Long cho hay: "Trên mạng xã hội có bài đăng kêu gọi hỗ trợ dù hoàn cảnh anh H. không phải khó khăn như thế. Người dân Việt Nam mình chia sẻ lắm. Con cô chủ nhà còn cho vay tiền. Bạn này ít nói, không tiếp xúc nhiều với mọi người nên 2-3 ngày đầu không tương tác với hàng xóm. Đến tối qua, anh H. được hỗ trợ khoảng 43 triệu đồng. Tôi đến nói chuyện thì chỉ 30 phút có mấy đoàn ủng hộ đồ ăn, quần áo…".

"Dù nhà trọ nhiều người lao động rất khó khăn nhưng bà con hàng xóm cũng hỗ trợ. Mỗi người một chút để vượt qua khó khăn. Nhưng khi bài đăng lên mạng số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục triệu đồng. Việc này gây nên tâm lý "hay nên chăng mình làm cách nào đó để đưa tin đăng lên để nhận quà như thế"", ông Long quan ngại.

Anh Lương Ngọc H. chia sẻ: "Bà con ở thôn Xuân, xã Tân Tiến thân thiện và giúp đỡ trong lúc khó khăn. Tôi nhận gạo, đồ ăn, nước uống... Thông tin trên mạng có phần đúng có phần sai. Tôi không đọc bài báo nên không biết".

Ông Long khuyến cáo người dân nên thẩm định, chia sẻ thông tin từ nguồn của cơ quan MTTQ các cấp, chính quyền hay báo chính thống.

"Người dân nhận thông tin trên mạng nhưng không biết đúng hay sai, bản chất sự việc ra sao thì hãy liên hệ với chính quyền, MTTQ các cấp để được chỉ dẫn hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm", ông Long nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật