Xót xa những mảnh đời vô gia cư giữa tâm djch Sài Gòn: Được tặng 75 triệu chỉ xin nhận 5 triệu

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có lẽ không mảnh đất nào có nhiều mảng màu đời sống đa dạng như đất Sài Gòn. Sài Gòn là bức tranh đa sắc, đa chiều, đa cảm xúc của bao nhiêu con người ở những nơi khác nhau tụ họp về.
Xót xa những mảnh đời vô gia cư giữa tâm djch Sài Gòn: Được tặng 75 triệu chỉ xin nhận 5 triệu
Cụ bà chắp tay cảm ơn khi nhận được quà thiện nguyện (Ảnh: Zing)

Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, khi những chỉ thị liên tiếp được ban hành, chúng ta không còn thấy những cụ bà bán vé số, những người lượm ve chai nhặt rác giữa trưa hè. Chiều tắt nắng, Sài Gòn cũngt ắt đi những tiếng cười, tắt đi những âm thanh rộn rã của cuộc sống. Những mảnh đời vốn đã rất nghèo, nay trở thành vô gia cư.

Một buổi tối, trời đổ cơn mưa tầm tã. Những mảnh đời bất hạnh, không nơi trú thân, run rẩy bên lề đường vắng bóng người qua lại. Một cụ già đội chiếc nón cũ ngồi cạnh cột đèn giao thông, đôi mắt thẫn thờ vì đói và mệt.

Từ trên xe máy, 2 tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện "Sài Gòn Chợ Lạc Xoong" chạy lại biếu cụ phần quà gồm bánh mì, sữa, cá hộp và nhu yếu phẩm. Nhận được quà, mắt cụ sáng lên, rưng rưng lệ, miệng không ngừng nói lời cảm ơn.

Cách đó vài ngày, đồng hành cùng nhóm thiện nguyện Bánh mì 0 đồng tặng bà con nghèo, vô gia cư ở Sài Gòn, anh Ngô Trần Hải An đã chứng kiến không ít hoàn cảnh khó khăn trên đường phố trong những ngày TP HCM bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và ghi lại dưới ống kính của mình.

"Rất nhiều trong số họ là những người bán vé số, lượm ve chai... không có nhà để ở. Do đó, cái họ cần là đồ có thể ăn được liền chứ không thể tặng cơm gạo mắm muối vì họ không thể nấu", anh Hải An chia sẻ.

Những con người vô gia cư đang chơ vơ giữa Sài Gòn (Ảnh: VNE)

Những ngày gần đây, Sài Gòn cứ chiều lại đổ mưa, nền đất thêm ẩm ướt nhớp nháp và đêm lạnh hơn nhiều, nỗi lo qua đêm ở đâu càng đè nặng lên vai những người không nhà. Ông Sơn, gần 70 tuổi, quê Long An, bị câm điếc, mưu sinh bằng nghề bán vé số ở góc đường Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, TP HCM.

Cuộc sống vất vả nhưng ông vẫn cưu mang con chó nhỏ. Trong mùa dịch, ông được một số mạnh thường quân giúp đỡ, trao tặng 75 triệu đồng, sau nhiều lần từ chối, ông mới đồng ý nhận 5 triệu và ra dấu muốn chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khác khó khăn hơn mình.

Mấy hôm trước, hình ảnh nhà 4 người phải lang thang, ngủ bờ ngủ bụi ở đường phố Sài Gòn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Hạnh (nhân vật chính trong câu chuyện) nói:"Trước đây, hai vợ chồng tôi bán vé số, lượm ve chai kiếm sống qua ngày, tạm đủ ăn.

Nhưng từ ngày vợ sinh con, tiền bệnh viện nhiều cộng thêm Covid-19 đến khiến hai vợ chồng không kịp xoay xở để trả tiền trọ nên bị người ta đuổi ra ngoài".  May mắn sau đó, gia đình anh Hạnh được các mạnh thường quân hỗ trợ trả tiền trọ và tiền sinh hoạt. "Chúng tôi đã tạm đủ ăn nhưng chưa biết tình hình những ngày tới sẽ thế nào", anh Hạnh cho hay.

Gia đình anh Hạnh vẫn cố gắng bám trụ giữa nhiều khó khăn, mệt nhọc (Ảnh: VNE)

Thức cùng đêm Sài Gòn mới thấy có nhiều phận đời. Mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh, và sau gánh nặng oằn trĩu về miếng cơm, manh áo là những nỗi niềm mông lung khi nghĩ về ngày mai. Họ, đều là những người vô cùng nghèo, nhưng vẫn lạc quan và vô cùng hào sảng.

Ví như câu chuyện của cụ ông được hỗ trợ 75 triệu nhưng chỉ xin 5 triệu vì quá khó khăn. Hay hình ảnh của những đội quân tình nguyện âm thầm làm việc suốt đêm. Tất cả mọi người, đều đang chung tay để cùng nhau đi qua đại dịch.

Bỏ quê lên phố, nhiều người không có trình độ học vấn cao, cũng không phải là con ông cháu cha hay có họ hàng làm quan tước, nhưng họ vẫn chọn Sài Gòn làm nơi mưu sinh. Họ mong Sài Gòn cho mình một công việc đơn giản, như bán vé số, bán hàng rong, chạy xe ôm, thậm chí là nhặt rác.

Kiếm được chút tiền, họ trang trải cho cuộc sống của mình, dành dụm gửi về quê nhà cho con cái, cháu chắt được đi học...để chúng lớn lên, không phải nghèo như mình. Có gia đình, thậm chí dắt nhau lên đây sinh sống, họ không mơ nhà cao cửa rộng, chỉ hy vọng đời sau sẽ khấm khá hơn.

Một công nhân "gục ngã" bên lề đường (Ảnh: VNE)

Vậy mà dịch bệnh đã khiến cơ hội nhỏ nhoi ấy đi vào bế tắc. Người xưa bảo sau cơn mưa trời lại sáng, ngày mai sẽ là một ngày mới đẹp hơn. Nhưng có lẽ hai tháng qua, mỗi một ngày mai tỉnh giấc, họ vẫn thấy tương lai rất mịt mờ.

Kể ra những câu chuyện như thế này, không phải để khóc than, rầu rĩ, mà để cho chúng ta biết cuộc sống khắc nghiệt lắm. Hãy cảm thấy may mắn nếu chúng ta còn có chăn ấm nệm êm, có bữa cơm đàng hoàng tử tế. Và hãy biết trân quý đồng tiền, đừng ăn chơi cho đến cạn kiệt, mà hãy làm khi lành để dành khi đau.

Sau cùng, nếu có thể san sẻ, giúp đỡ cho những mảnh đời nghèo khó, xin mọi người đừng chần chừ e ngại, của ít lòng nhiều, lá rách ít đùm lá rách nhiều chính là những lúc như thế này đây. Ngày hôm nay, Sài Gòn thiếu tiếng cười, thiếu vắc xin, thiếu giường bệnh, nhưng còn rất nhiều thứ mà chúng ta không bao giờ thiếu, đó là sự tử tế và tình người đong đầy yêu thương.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật