Chuyện ly kỳ về “Người lái đò trên sông Pô Cô”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô“ của nhạc sĩ Cầm Phong được phổ nhạc từ lời thơ của nhà báo Mai Trang có một số phận ly kỳ. Vượt qua một nguyên mẫu có thật, A Sanh đã trở thành biểu tượng về người lái đò đưa bộ đội qua sông.
Chuyện ly kỳ về “Người lái đò trên sông Pô Cô”
Sông Pô Cô.

Người lái đò tên gọi A Sanh

Những ai dã từng đi B thời đánh Mỹ, hẳn chẳng thể nào quên được những đêm vượt sông, không chỉ có sông Pô Cô mà hàng trăm con sông lớn nhỏ vắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ở Trường Sơn cứ đi hai mươi mét là bắt gặp một khe núi. Hai trăm mét gặp một con suối. Hai kilomet gặp một dòng sông, Pô Cô, sông Ba, sông Hinh, Sông Côn, sông Đăk KRông, Đăk Blà, Krông Ana... Dòng sông nào cũng có lúc mênh mang hiền hòa, lại cũng có lúc réo sôi hung dữ. Dòng sông nào cũng từng in những chiến công lẫy lừng và dòng sông nào cũng mang nặng trong mình niềm hy sinh mất mát của đồng chí, đồng bào: “Hỏi sông ơi có biết anh lái đò tên gọi A Sanh...”

Bài hát "Người lái đò trên sông Pô Cô" của nhạc sĩ Cầm Phong.

Lời ca giản dị, nốt nhạc thiết tha trong sáng đậm chất dân ca Tây Nguyên ấy quấn quýt với tâm hồn người lính trẻ chúng tôi. A Sanh, ấy là cái tên được nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác dựa trên một nguyên mẫu có thật. Ngay cả nhà thơ cũng không biết rằng, tên nhân vật của mình ngay sau khi được ra đời liền trở thành biểu tượng, thành cái tên chung cho những người lái đò trên các dòng sông ở Trường Sơn. “A Sanh ơi, cho mình qua sông với!”; “A Sanh ơi, đêm nay đơn vị nào được qua  sông trước?”. 

Có những bến sông các chiến sĩ lái đò được lính ta gọi là A Sanh là chiến sĩ gái. Lại có những bến sông A Sanh là chiến sĩ trai. Có bến sông A Sanh là bộ đội chủ lực. Lại có bến sông A Sanh là bộ đội địa phương, là dân quân, du kích. Chỉ có bài hát về A Sanh là bao gồm tất cả, bởi khi cất tiếng hát lên, ai cũng thấy có mình trong đó. Bởi ở bến sông nào cũng diễn ra quy luật thế này: “Ngày đêm anh lái đò trên sông. Dù gian nguy vẫn vững tay chèo. Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ bao đêm ròng, chiến tuyến đây thầm lặng. Nhịp chèo lập công...”

Đêm vượt sông và câu hỏi “sông ơi có biết”

Câu chuyện vừa giản dị vừa khá ly kỳ về sự tích bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” suốt mấy chục năm qua. Cho tới hôm nay nó vẫn còn nguyên vẹn vẻ giản dị và sự lạ kỳ, kể cũng có ít trường hợp nào  đặc biệt như thế. 

Hàng vạn người lính ra mặt trận từng qua con đò nhỏ trên sông Pô Cô, có đêm mười, có đêm cao điểm anh lái đò chở hàng trăm chuyến. Đếm làm sao hết. Nhớ làm sao hết những người đó qua sông, ngồi trên đò anh vào chiến tuyến. Không phải chuyến đò nào cũng xuôi thuyền mát mái đâu. Bom đạn là một chuyện. Lũ dông đột ngột là một chuyện. Đói bụng, mắt hoa vì sốt rét là chuyện khác. Lại có khi nắng cháy, địch tung biệt kích, thám báo đầy rừng, đầy núi. Nhiệm vụ là nhiệm vụ, đường giao liên không thể đứt là không thể đứt! 

Mà đã đưa bộ đội qua sông là phải bí mật, phải an toàn, không được phép để một sơ suất nhỏ. 

Hình ảnh người lái đò đã tác động mạnh đến tâm hồn một chiến sĩ gái, nữ phóng viên trẻ Mai Trang trên đường theo chân bộ đội vào Nam đánh Mỹ, và trong sổ tay công tác của cô, như là nhật ký, cô đã “ghi” cái ấn tượng về người lái đò không kịp hỏi tên ấy, hoặc có thể cô hỏi tên, nhưng anh ta là người Jrai nên nghe và nói tiếng Việt còn lơ lớ. Khi nói tên mình là San thì anh nói mình là Sanh vậy.

“Hỏi Pô Cô ơi/ dòng sông mênh mông/ đôi bờ cây xanh biếc/ nước chảy xiết sâu thẳm/ qua tháng ngày/ hỏi sông ơi có biết/ anh lái đò/ tên gọi A Sanh...”  

Bài thơ ấy sau khi được in ra, tình cờ đến tay chàng nhạc sĩ đêm ngày khao khát một dòng sông, khao khát một giai điệu vừa trữ tình thiết tha lại vừa hùng tráng: “Non cao đâu bằng/ Sông sâu đâu sánh/ Hờn căm chất nặng tim anh/ Thề quyết giữ núi rừng Tây Nguyên...

Tâm hồn nhạc sĩ hòa nhập cùng tâm hồn nhà thơ, hòa nhập cùng tâm hồn trong sáng hồn nhiên của người  chiến sĩ lái đò và khi đó lời ca được cất lên, hòa nhập ngay vào cuộc kháng chiến cùng với trùng trùng những đoàn quân ra trận. Sự gặp gỡ cái chung lớn lao đó khiến các tâm hồn riêng lẻ trở nên đồng điệu. Ai ai cũng sẵn sàng hy sinh để mau đến ngày thắng lợi, sớm tới ngày đoàn tụ.

Cái duyên không gặp giữa nhạc sĩ và nguyên mẫu người lái đò Puih San

Vâng, đã hơn hai mươi lăm năm sau ngày giải phóng, bài ca ấy vẫn còn tươi rói với thế hệ chúng tôi. Giọng ca của nghệ sĩ Tường Vi, Rơ Căm Phieng, Mai Tuyết đã trở nên thân thương không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người lính trận. Vậy mà, cái ông nhạc sĩ Cầm Phong nổi tiếng ấy và người mẫu, nhân vật A Sanh của ông suốt hơn ba mươi năm không được gặp nhau lấy một lần! 

Tôi nhớ hồi năm 1998, sau khi nghe tin Puih San được Nhà nước phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang, có lần tới nhà nhạc sĩ Cầm Phong chơi. Tôi ngồi tôi kể về ngôi làng có tên Plei ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có ông Puih San - Trung uý về hưu, ngày chống Mỹ là chiến sĩ lái đò, là nhân vật chính, tức chàng A Sanh trong bài hát của ông sắp ra Hà Nội tham quan. Ông mừng khôn xiết. Nhưng đúng là “cái số” của hai bác thế nào mà mấy ngày ở Hà Nội, Puih San vì tính quen với kỷ luật nên không thể tách đoàn, lại bị cánh nhà báo quây dữ quá, không cách gì thu xếp được thời gian thăm ông nhạc sĩ, người đã “khai sinh” ra cái tên A Sanh cho mình.

Còn ông nhạc sĩ già thì cứ ngồi chờ, đến khi nghe tin A Sanh vào lại trong kia rồi thì cứ ngồi tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Ông đành ôm cây đàn ghi ta hát vọng vào. Một thời gian sau lại nghe tin buồn Puih San đã mất! Thế là cái hẹn lần sau gặp mặt của hai ông không thành. Tôi cũng lại phải đổ tại cái duyên, cái số của hai bác vậy thôi, chứ làm sao!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật