Gặp gỡ người dành cả cuộc đời vẽ tranh chân dung Bác Hồ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vinh dự hai lần được nhìn thấy Bác Hồ, những ký ức về Chủ tịch đáng kính trong tâm trí ông Võ Đức Thuận (SN 1944, xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là điều không thể nào quên. Hơn 50 năm nay ông Thuận vẫn âm thầm vẽ hàng trăm bức tranh về chân dung Bác.
Gặp gỡ người dành cả cuộc đời vẽ tranh chân dung Bác Hồ
Ông Võ Đức Thuận bên những bức chân dung Bác Hồ. Ảnh: Lê Tập

Hơn 50 năm vẽ chân dung Bác

Chúng tôi phải vượt gần 100km từ TP.Vinh về với làng Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (Nghệ An) để gặp người họa sĩ nghiệp dư có đôi tay tài hoa, niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật, người đã dành cả cuộc đời để vẽ chân dung vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ông là Võ Đức Thuận (SN 1944, xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Khi thấy khách lạ đến thăm nhà, ông Thuận niềm nở tay bắt mặt mừng, rót bát nước chè xanh còn nóng hổi trò chuyện: “Năm nay đã 74 tuổi, sức khỏe yếu đi, nhưng niềm đam mê vẽ tranh Bác Hồ đã ăn vào trong máu tôi rồi. Tôi vẫn cứ vẽ cho đến khi nào mà tay không thể cầm được bút, mắt không còn thấy nữa, tôi mới nghỉ”.

Vốn quê gốc ở Nam Đàn nhưng lại sinh ra ở cố đô Huế, lên 4 tuổi, cậu bé Võ Đức Thuận khăn gói theo bố mẹ về với quê cha đất tổ huyện Nam Đàn sinh sống. Cũng chính nơi đây, những câu chuyện về tuổi thơ và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ qua lời kể của mọi người khiến hình ảnh Bác Hồ cứ in đậm trong tâm trí cậu bé Thuận.

Hai lần Bác Hồ về thăm quê vào năm 1957 và 1961, Võ Đức Thuận đều háo hức, vui mừng khôn xiết. Cả hai lần Thuận đều đòi mẹ cho bằng được để ra gặp Bác Hồ. Cũng chính từ hai lần đó hình ảnh về vị Cha già dân tộc đã in đậm trong trí nhớ Thuận. Cậu tự hứa với bản thân sẽ học tập thật giỏi để được nhận được phần thưởng từ tay Bác Hồ trao.

Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Võ Đức Thuận đã tình nguyện viết đơn xung phong lên đường vào quân ngũ, đơn vị C33 - N9 tỉnh đội Nghệ An xây dựng cầu Cấm. Có năng khiếu hội họa, Thuận được đơn vị cử đi học lớp kẻ vẽ panô, áp phích tại Trường điện ảnh Trung ương (Hà Nội). Sau đó được vào biên chế đội chiếu bóng lưu động phục vụ bộ đội và nhân dân quân trên QL7 Việt – Lào.

Phòng tranh của ông Võ Đức Thuận trưng bày những bức tranh về chân dung Bác Hồ. Ảnh: Lê Tập

Trong những tháng ngày ròng rã “mưa dầm cơm vắt” cùng với đoàn vác máy trèo đèo, lội suối để phục cán bộ chiến sĩ, bà con đồng bào…, các anh chị em trong đoàn phải “tự biên tự diễn”. Thấy Thuận có khả năng vẽ, lãnh đạo đoàn đã cử Thuận kiêm luôn công việc vẽ panô, áp phích tuyên truyền chính sách của Đảng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những bức tranh về chủ tịch Hồ Chí Minh đều được Thuận vẽ rất sinh động, thể hiện được cái hồn của vị Cha già kính yêu. 

Ông Võ Đức Thuận chia sẻ: “Đề tài về Bác Hồ đã có rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác. Nhưng với riêng tôi, là thế hệ cuối cùng được nhìn thấy Bác, tôi luôn trăn trở mình phải làm một điều gì đó để truyền lại cho con cháu mai sau hiểu hơn về vị lãnh tụ cả cuộc đời hy sinh cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam”.

“Để có được những bức chân dung Bác Hồ hoàn thiện, người họa sĩ phải nhập hồn vào bức tranh, khó nhất là vẽ vầng trán trí tuệ, đôi mắt biết cười của Bác. Bởi thế, mỗi bức tranh của Bác tôi luôn phải vẽ cả trái tim”, ông Thuận chia sẻ. 

Gửi trọn tình yêu về Bác Hồ qua từng bức tranh

Dành trọn cuộc đời hy sinh cho nghệ thuật, ông Thuận có tổng số trên 200 bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ. Những đức tính cao quý của Người như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, việc làm của ông. Ông Thuận luôn đi đầu trong việc vận động xây dựng chi bộ học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Để có được bức chân dung Bác Hồ hoàn thiện, người họa sĩ phải nhập hồn vào bức tranh, khó nhất là vẽ vầng trán trí tuệ, đôi mắt biết cười của Bác. Bởi thế, mỗi bức tranh của Bác phải vẽ bằng tất cả trái tim. Ảnh: Lê Tập

Ông luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn các em học sinh các trường học trong huyện đến tham quan phòng tranh tại nhà. Những bức tranh về Bác Hồ trong phòng tranh tại gia đình ông Thuận là kho tư liệu quý giá, giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời Hồ Chủ Tịch.

Với hàng xóm láng giềng, khi ốm đau ông sẵn sàng nhường cơm sẻ áo bằng đồng lương hưu ít ỏi của mình đồng thời tích cực góp công cùng với Đảng uỷ xã “làm theo lời Bác” trong cuộc vận động nối vòng tay nhân ái, giúp người nghèo tại địa phương có nhà ở kiên cố… Chưa hết, ông còn hết sức giúp đỡ, cưu mang các bệnh nhân Hasen (bệnh phong) ở đây sống hoà nhập với cộng đồng.

Bao năm qua ông Võ Đức Thuận đã thầm lặng hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật vẽ chân dung Bác Hồ, phòng tranh của ông đã lên đến hàng trăm bức tranh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của ông là một nét chấm phá thể hiện phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay, tuổi đã cao, chân không còn linh hoạt như khi còn trẻ nhưng trái tim của ông vẫn ấm nóng, sôi nổi như thuở thanh xuân.

Cuối đời ông Thuận chỉ có một mong muốn được Đảng và Nhà nước ghi nhận những cống hiến và tài năng của mình cho nghệ thuật. Ảnh: Lê Tập

Trao đổi với PV Báo , ông Lê Bá Vân – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: “Với bác Thuận, ký họa chân dung Hồ Chí Minh đã trở thành một niềm đam mê. Và không chỉ dừng ở niềm đam mê, nó còn biến thành những hành động thiết thực, cụ thể làm theo lời dạy của Bác. Với bác Thuận, mỗi bức tranh vẽ về Bác Hồ là cả một tấm lòng của ông giành cho Bác. Hình ảnh Bác hiện lên sống động và gần gũi, thân thương trong các bức vẽ của ông Thuận. Và dù đã có hàng trăm bức tranh về Bác, nhưng không cái nào giống cái nào, mỗi cái là một câu chuyện, một tấm lòng của ông Thuận và của người dân nơi đây giành cho Bác Hồ kính yêu.

Ông Thuận cũng từng chia sẻ là trong quãng đời còn lại, ông sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và tìm tòi những hoạt động khác của Bác để thể hiện qua nét vẽ, sao cho có thể tạo nên hình ảnh về Người một cách đa dạng nhất. Nhưng quan trọng hơn, ông mong mỗi bức tranh là một bài học về Bác Hồ giúp cho những thế hệ sau này học tập, noi theo. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật