Đi lại ở TP.HCM sẽ rất khác?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước mắt, câu hỏi này dường như đã có câu trả lời qua ý kiến người trong cuộc sau những ngày TP.HCM trở lại bình thường mới.
Đi lại ở TP.HCM sẽ rất khác?
Khách đi xe buýt số 90 từ phà Bình Khánh - Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từ đây, có thể hình dung ra việc các chính sách giao thông tại TP ít nhiều cũng cần có sự thay đổi linh hoạt cho đến khi việc đi lại trở lại bình thường hơn nữa.

Người dân, tài xế, đơn vị quản lý, chuyên gia đã nói gì về việc này?

Nỗi khổ của tiế‌p viê‌n, tài xế

 Ông Mai Thái Cường (52 tuổi, tiế‌p viê‌n bán vé xe buýt tuyến 53 bến ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tôi đã sống trong xe buýt hơn 4 tháng

Từ khi dịch bệnh ở TP.HCM bùng phát, xe buýt ngưng chạy, thu nhập không có, tôi buộc phải trả nhà trọ thuê 1 triệu đồng/tháng, xách theo đồ đạc rồi chuyển vào chiếc xe buýt đang đậu trong bến ĐH Quốc gia TP.HCM sinh sống. 

Không lời nào có thể diễn tả hết được sự bất tiện khi phải sống trên xe buýt 4 tháng qua, nhưng không sao, tôi vẫn thích nghi được. Bây giờ, tôi chẳng mong cầu điều gì quá lớn lao, chỉ mong dịch chóng qua để xe buýt chạy lại, tôi lại làm tiế‌p viê‌n xe buýt, trở về với cuộc sống bình thường.

Những tháng qua, tôi chỉ biết nằm dài chờ đợi. Đến khi TP.HCM trở lại bình thường mới, tôi cùng nhiều anh em tài xế, tiế‌p viê‌n cũng sống trên xe buýt ở bến đã chủ động đi kiếm thêm công việc khác để làm trong khi chờ xe buýt chạy lại. 

Tôi mới xin được công việc làm phụ hồ hai bữa nay, việc này có hơi lạ nhưng được đi làm tôi thấy thoải mái lắm.

 Ông Phạm Văn Thân (52 tuổi, phụ xe buýt tuyến Bình Khánh - Cần Thạnh, huyện Cần Giờ):

Lần đầu tiên chở khách ít vậy

Từ ngày 5-10, 4 tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ được hoạt động trở lại, trong đó có tuyến của tôi. Khi xe buýt chạy lại, các tài xế, phụ xe đều mừng lắm, ấy thế mà... khách vắng tanh. Suốt 4 năm làm tiế‌p viê‌n đến nay, tôi chưa bao giờ thấy cảnh khách đìu hiu như thời điểm này.

Trước đây, mỗi ngày tuyến xe buýt của tôi cứ 8 phút chạy một lần. Còn bây giờ số xe đã giảm một nửa và tăng thời gian chờ lên 20 phút nhưng có chuyến chỉ một hoặc không có người nên chúng tôi đành cố gắng chạy cầm chừng. 

Tôi nghĩ người dân vẫn còn e dè chưa dám đi vì lây nhiễm, phần nữa vì nhiều người chưa đi làm lại nên xe buýt vẫn vắng tanh.

Ông Nguyễn Ngọc Binh (giám đốc Hợp tác xã vận tải 28, TP.HCM):

Xã viên xin bỏ nghề, hợp tác xã động viên

Các tuyến xe buýt của hợp tác xã dự kiến sang tháng 11 sẽ chạy lại nhưng dự báo thời gian tới các xe buýt chạy lại cũng chỉ cầm chừng. Điều chúng tôi lo lắng là tâm lý e dè do dịch sẽ khiến xe buýt vắng khách, thu không đủ bù chi, càng chạy càng lỗ. 

Sau một thời gian khó khăn, nhiều xã viên, tài xế, tiế‌p viê‌n đang dần dần mất đi động lực do thua lỗ, sống không được với nghề. Một số xã viên chồng làm tài xế, vợ con bán vé còn lây lất qua ngày, còn xe nào thuê tài xế, thuê nhân viên thì chịu không nổi đành bỏ cuộc.

Với trách nhiệm người đứng đầu hợp tác xã, tôi cũng động viên anh em cố gắng chạy một thời gian xem sao rồi tính. Nhưng đường dài rất lo, phía trước còn quá nhiều khó khăn...

Ông Mai Thái Cường (tiế‌p viê‌n bán vé xe buýt số 53) sống trong chiếc xe buýt suốt 4 tháng qua. Ông đang ăn vội cơm trưa để đi phụ hồ trong ngày chờ xe buýt chạy lại - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cần tầm nhìn xa hơn

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Lo người dân thay đổi thói quen đi lại

Trước đây, việc sử dụng phương tiện công cộng để đi lại làm việc, học hành và vui chơi, giải trí đã là một yêu cầu rất khó thực hiện vì sự thiếu thốn, sự bất hợp lý của các hệ thống vận tải hành khách công cộng ở các đô thị. 

Ở thời điểm hiện nay, tâm lý e ngại sử dụng xe công cộng để đi lại là thêm một lý do khách quan. Do đó, thời gian công bố hết dịch càng dài thì tác động đến thói quen sử dụng phương tiện công cộng để đi lại càng lớn, dẫn tới thay đổi "thói quen đi lại" mà TP.HCM nhiều năm dày công xây dựng là điều đáng lo.

Tổ chức WHO và các chuyên gia trên thế giới đã dự liệu ít nhất đại dịch COVID-19 cũng sẽ chỉ chấm dứt vào cuối năm 2023. 

Chính vì thế ngay từ bây giờ khi hoạch định chính sách phục hồi và phát triển vận tải hành khách công cộng, chúng ta không thể chỉ nhìn ngắn hạn mà phải có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là trong vòng 3 - 5 năm tùy theo lĩnh vực hoặc ngành. 

Ví dụ, vận tải hàng hóa sẽ phục hồi trong vòng 1 - 2 năm, vận tải hành khách phải từ 2 - 3 năm; vận tải hàng không phải mất 3 - 5 năm.

Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu toàn bộ hệ thống xe buýt theo lộ trình trước đây là vấn đề cần xem lại. Nhân cơ hội này chúng ta phải thay đổi chính sách như chỉ tổ chức đấu thầu những tuyến tốt nhất, có hành khách đi lại nhiều nhất, có khả năng hòa vốn hoặc sinh lời...

Về tài chính, cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ lớn đủ tầm nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tái hoạt động. Bộ Y tế nên nhanh chóng ban hành sớm giao quyền xét nghiệm về cho các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí và thời gian.

Để nuôi dưỡng sức doanh nghiệp và hợp tác xã sau thời gian dài khó khăn, cần giảm sâu và kéo dài thời gian giảm mức phí đường bộ, lùi thêm thời gian lắp camera xe khách, thu phí cảng biển và bán vé tự động trên xe buýt.

Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Cần tuyên truyền tốt hơn, tránh tâm lý e ngại

Chúng tôi đã đi khảo sát trên một số tuyến xe buýt mới hoạt động trở lại và thấy xe buýt rất ít khách, có những chuyến chỉ có từ hai đến ba khách. Đây là điều đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh từ ngày 25-10 đến đầu tháng 11, hệ thống xe buýt sẽ mở thêm nhiều tuyến.

Trên thực tế, việc đi lại trên xe buýt hiện nay khá an toàn do có giãn cách số chỗ và trên xe trang bị đầy đủ thiết bị để phòng chống dịch. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và quay lại với xe buýt nhằm hạn chế xe cá nhân mà TP.HCM đang thực hiện suốt thời gian vừa qua.

Các phương án dài hạn đối với việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng linh hoạt mà các chuyên gia đã góp ý cho Sở GTVT thời gian qua là:

- Điều tra, khảo sát lại tình hình đi lại của người dân cũng như tình hình vận chuyển xe buýt trong giai đoạn vừa qua.

- Củng cố và điều chỉnh linh hoạt lại mạng lưới tuyến để thích ứng với tình hình mới.

- Đề nghị TP thông qua để thí điểm phương án sử dụng xe buýt mini chạy ở các tuyến đường dưới 7m để đón khách trong các hẻm, đường nhỏ ra đường lớn hoặc kết nối với tuyến metro trong tương lai bởi xe buýt lớn mà chạy vào các đường nhỏ là không phù hợp, lãng phí, ùn tắc...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật