Người dân chủ quan, TP.HCM có nguy cơ tái phát ổ dịch

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng và có lịch trình đi lại nhiều. Đa phần ca mắc có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có ca trở nặng do chủ quan đã tiêm hai mũi vaccine.
Người dân chủ quan, TP.HCM có nguy cơ tái phát ổ dịch
Nhân viên Trạm y tế lưu động số 1 (phường 11, quận 3) thăm khám F0 tại nhà. Ảnh: BSY

Từ ngày 1-10 đến nay, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, việc xử lý ổ dịch cũng có nhiều thay đổi. Mới đây, Sở Y tế tiếp tục cập nhật quy trình xử lý ổ dịch hộ gia đình và cộng đồng, tập trung xét nghiệm và giám sát các điểm nguy cơ.

Bắt đầu ghi nhận ổ dịch cộng đồng trở lại

Theo ghi nhận, các địa phương đang tích cực xử lý các ổ dịch phát sinh trên địa bàn theo quy trình mới.

Mới đây, từ một số trường hợp tự khai báo triệu chứng và tự làm xét nghiệm COVID-19 ở một con hẻm trên đường Ba Tháng Hai (phường 6, quận 10), cơ quan chức năng phường 6 đã tiến hành xét nghiệm và lấy mẫu các hộ lân cận. Kết quả có hơn 20 hộ ở con hẻm và các hộ ở đường Bà Hạt có cửa thông với hẻm này có ca dương tính. Tất cả người lớn đã được tiêm hai mũi vaccine, còn số trẻ nhỏ thì chưa được tiêm.

Theo bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch UBND phường 6, đây là ổ dịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn được phát hiện sau thời gian tháng 9 không có ca nhiễm và chỉ vài ca rải rác từ đầu tháng 10 đến nay. Con hẻm tập trung đông dân cư với hai dãy nhà đối diện nhưng bề ngang hẻm khá hẹp - chỉ khoảng 1 m, trong tình hình mở cửa trở lại, người dân đi lại nhiều nơi, tiếp xúc qua lại nên nguy cơ lây lan cao và khó truy vết nguồn lây.

Bà Ngọc cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát ổ dịch cộng đồng vừa phát hiện và mở rộng xét nghiệm các hộ mua bán ở khu vực vòng ngoài chợ gần hẻm.

Để kiểm soát dịch trong tình hình mới, bà Ngọc cho biết địa phương đã thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lập các nhóm nhỏ tuyên truyền, mở các kênh Zalo để thông tin cho người dân, tổ phòng chống COVID-19 kiểm tra thường xuyên các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở chấp hành, nhắc nhở tuân thủ quy tắc 5K.

Bà Ngọc lo ngại sau khi được đi lại thoải mái hơn sau mấy tháng “đóng cửa”, người dân có tâm lý “bung” ra, người dân đi làm, đi buôn bán và tiếp xúc nhiều, khó truy vết được nguồn lây từ đâu và khó kiểm soát các F1, F0.

BS Lâm Phước Trí, Trưởng trạm Y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), cho biết trạm y tế ghi nhận những ngày gần đây, số ca mắc bắt đầu có xu hướng tăng. Một ngày trạm y tế ghi nhận năm, bảy ca, đặc biệt vào tuần trước, trạm ghi nhận chùm 10 ca bệnh ở một công ty do cùng sinh hoạt, ăn uống tại chỗ. Một số ca sau khi điều tra dịch tễ cho biết di chuyển nhiều nơi. BS Trí lo ngại: “Những ngày gần đây, người dân được thoải mái di chuyển và ra hàng quán ăn uống. Người dân đã được tiêm vaccine nên nếu có mắc thì triệu chứng cũng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng nên vô tình trở thành F0 mà không biết, có nguy cơ làm lây lan dịch cho cộng đồng. Để kiểm soát số ca mắc, ý thức của người dân vẫn là quyết định. Người dân phải thận trọng và ý thức tuân thủ tốt 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng” - BS Trí lo ngại.

Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho hay từ ngày 1-10 đến nay, mặc dù địa phương ít phát hiện ổ dịch cộng đồng và ca chuyển nặng ít nhưng ông Dũng lo lắng sẽ gặp nhiều áp lực khi năm trạm y tế lưu động quân y sẽ rút toàn bộ vào ngày 5-11.

Theo ông Dũng, nhân sự của trạm y tế phường hiện rất mỏng, cơ cấu nhân sự dù có hai bác sĩ nhưng thực chất một bác sĩ đã nghỉ việc từ tháng 3-2021. Lực lượng y tế phải đảm trách nhiều việc ngoài quản lý F0 như còn phải tiêm vaccine cho người lớn và trẻ em. Phường đã vận động thành lập các tổ chăm sóc F0 tại nhà để thay thế các trạm y tế lưu động nhưng gặp khó khăn về nhân sự khi cơ cấu mỗi tổ phải có một nhân viên y tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật