Từ bỏ lương hưu sau 14 năm đóng Bảo hiểm

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mất việc ở tuổi 47, không nơi nào chịu nhận vì tuổi cao, tôi rút BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống, thay vì đợi lương hưu.
Từ bỏ lương hưu sau 14 năm đóng Bảo hiểm
Ảnh minh họa

Tôi năm nay 47 tuổi, đã đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được 14 năm. Suốt gần 20 năm đi làm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thất nghiệp, cứ đinh ninh sẽ đóng bảo hiểm đủ năm để sau này có lương hưu khi về già. Ấy vậy nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra khi tôi mất việc, chính thức thất nghiệp trong mùa dịch. Suốt nhiều tháng nay, tôi cố gắng đi xin việc khắp nơi, nhưng chẳng ở đâu chịu nhận vì họ chỉ tuyển người dưới 40 tuổi.

Trong khi đó, tôi lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ tiền ăn uống, tiền học cho con cái và nhiều khoản vô hình khác cứ đè nặng lên mỗi tháng khiến tôi vô cùng áp lực. Tôi từng rất trăn trở về việc có nên rút BHXH một lần để trang trải cho cuộc sống trước mắt hay không? Nhưng lỡ rút rồi tiêu hết, sau này về già lấy ai lo cho mình? Nhưng ngược lại, nếu muốn theo tiếp để có lương hưu thì lấy tiền đâu để đóng?

Bản thân tôi hiện nay không có công việc ổn định, trong khi cuộc sống mỗi ngày của gia đình vẫn luôn phải đối diện với những khó khăn thường trực. Đã không xin được việc thì đóng BHXH tự nguyện bằng cách nào? Tôi vốn là lái xe mấy chục năm năy, giờ sức khỏe vẫn bình thường nhưng vì dịch bệnh và tuổi tác nên chẳng nơi nào chịu nhận. Còn nếu đi làm bảo vệ hay mấy công việc chân tay, ngày làm mấy tiếng, lương được mấy đồng để có tiền đóng bảo hiểm?

Theo quy định hiện hành, người lao động phải tham gia BHXH đủ 25 năm đối với nam giới mới có lương hưu. Như vậy, tôi sẽ phải đóng tiếp 11 năm nữa. Nhưng cuộc sống vốn vô thường, không biết ngay mai sẽ ra sao, công việc lại bấp bênh nên chẳng có gì đảm bảo tôi có thể đóng thêm đủ cả chục năm nữa. Thế là tôi quyết định rút BHXH một lần để có tiền sống cho gia đình.

Thực tế, tôi tin ai cũng muốn có lương hưu để tự chủ về tài chính lúc về già, chẳng ai muốn rút hết một lần để rồi sau này phải sống dựa vào con cái hay ăn bám xã hội. Nhưng rõ ràng chế độ hưu trí hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, khiến không phải người lao động nào cũng đủ sức tham gia. Mấy ai chờ được trên 62 tuổi để có lương hưu? Làm sao có thể làm việc đến lúc đó khi mà đại đa số người lao động chỉ sau 40 tuổi là sẽ bị đào thải giống như tôi và không thể tìm được việc làm?

Với lao động phổ thông hiện nay, ngấp nghé 40 tuổi là doanh nghiệp muốn đào thải rồi, họ ra ngoài càng khó xin việc nữa. Bởi vậy, tôi nghĩ, những ai chờ lãnh lương hưu sau 60 tuổi chắc đa phần là công chức, người làm việc trí óc, người có trình độ, chứ không dành cho số đông người lao động phổ thông chân tay như tôi.

Chúng ta vẫn vận động người lao động không nên rút BHXH một lần vì những ảnh hưởng không tốt đến an sinh xã hội, nhưng ít ai hiểu rằng, những người phải từ bỏ lương hưu như tôi đều là bất đắc dĩ lắm mới phải làm vậy. Khi không còn đường nào để sống cho hiện tại, mấy người còn nghĩ được đến chuyện tương lai?

Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ các chính sách an sinh xã hội, nhất là BHXH. Sự hữu ích của nó là điều không cần phải bàn cãi. Tôi cũng không kỳ vọng các chế độ hưu trí sẽ làm hài lòng được tất cả người dân. Nhưng chỉ mong sẽ có những cải cách luật BHXH để nó thực tế hơn, sát với đời sống người dân hơn, để mọi người đều có thể tham gia BHXH và được đền đáp xứng đáng sau những gì mà mình đã đóng góp.

Trong buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm cần rút ngắn năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Quy định hiện nay là người đóng BHXH được hưởng lương hưu sau 20 năm đóng, điều kiện để rút BHXH một lần cũng dễ dàng. Nhưng theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15, thậm chí 10 năm.

Nhu cầu quan trọng nhất hiện nay, theo ông Vương Đình Huệ, là khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm. Nếu sớm sửa đổi được các quy định này thì sẽ quản lý tốt hơn số người hưởng BHXH một lần.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật