Cần sớm xử lý trạm biến áp bỏ hoang

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng ngày, một hộ dân có 5 thành viên (trong đó có 3 cháu nhỏ) trú tại thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới phải sống trong cảnh thấp thỏm, bởi lo ngại những thanh sắt gỉ sét cùng các quả sứ điện từ trạm biến áp bị bỏ hoang nằm sát cạnh nhà có thể rơi xuống bất cứ lúc nào...
Cần sớm xử lý trạm biến áp bỏ hoang
Nhiều thiết bị điện ở trạm biến áp có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trong đơn gửi đến Báo Quảng Bình và cơ quan chức năng, ông Trương Ánh Ngọc (SN 1978, thôn Sa Động, xã Bảo Ninh) cho biết: Trước đây, ông Nguyễn Lé, trú tại thôn Sa Động, xã Bảo Ninh có mở một cơ sở sản xuất đá lạnh để cung cấp cho bà con ngư dân trong xã. Để phục vụ cho hoạt động của cơ sở này, ông Lé đã đầu tư xây dựng một trạm biến áp tư nhân.

Kể từ khi tuyến đường ven sông Nhật Lệ được đầu tư xây dựng, cơ sở sản xuất đá lạnh của ông Lé được hỗ trợ đền bù để giải phóng mặt bằng. Thế rồi, sau khi được Nhà nước đền bù, hỗ trợ, ông Lé chỉ thực hiện việc tháo dỡ và ngừng hoạt động cơ sở sản xuất đá lạnh. Riêng phần trạm biến áp của gia đình xây dựng trước đó thì ông Lé bỏ hoang cho tới tận hôm nay.

Điều đáng nói, do bị bỏ hoang từ lâu nên nhiều thiết bị điện ở trạm biến áp nói trên đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Khá nhiều thanh xà bằng sắt bị gỉ sét cùng các quả sứ điện treo lủng lẳng, không chắc chắn, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Chưa kể mỗi khi thời tiết xảy ra giông sét, không ai dám chắc là sẽ không xảy ra hiện tượng chập cháy ở trạm biến áp nói trên.

Đặc biệt, nằm ngay vị trí lối đi sau của Nhà văn hóa thôn Sa Động, trạm biến áp bỏ hoang này còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho nhiều người dân trong thôn. Vì vậy, gia đình ông Ngọc mong các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: "UBND xã Bảo Ninh cũng vừa tiếp nhận phản ánh của hộ ông Trương Ánh Ngọc về trạm biến áp nói trên. Hiện tại, UBND xã Bảo Ninh đang giao cho các cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế, từ đó, tham mưu lãnh đạo địa phương đưa ra phương án giải quyết phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, địa phương chúng tôi sẽ buộc hộ ông Lé nếu muốn giữ lại trạm biến áp nói trên thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho cộng đồng dân cư gần đó. Còn nếu không cam kết bảo đảm an toàn, hộ ông Lé buộc phải tiến hành tháo dỡ trạm biến áp để không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân xung quanh…".

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều năm trước, nhằm phục vụ cho cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình có nguồn điện sử dụng ổn định, ông Nguyễn Lé đã đầu tư xây dựng, lắp đặt trạm biến áp với công suất 160KVA-22/0,4Kv. Sau khi sử dụng được một thời gian, trạm biến áp dần xuống cấp dẫn tới vận hành thiếu ổn định, thậm chí từng xảy ra chập cháy. Đến năm 2017, khi nhận thấy trạm biến áp của gia đình vận hành không còn ổn định, an toàn thì ông Lé xin phép Điện lực Đồng Hới được đấu nối sang Trạm biến áp Sa Động 2, với công suất 250KVA nằm ở gần đó (trạm này được xây dựng vào năm 2016) và sử dụng từ đó đến nay.

"Hiện tại, Trạm biến áp ông Lé không phải là tài sản, thuộc quyền quản lý của Điện lực Đồng Hới. Tuy nhiên, nếu gia đình ông Lé và chính quyền xã Bảo Ninh có nhu cầu hỗ trợ về mặt kỹ thuật để tháo dỡ trạm biến áp thì đơn vị chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ…", ông Lý Đình Đức, Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hới cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật