Cách nhìn về ngôi trường hạnh phúc của nữ hiệu trưởng xứ Thanh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Hãy cố gắng làm những cái thực lực bên trong, tạo môi trường thoải mái, thân thiện, vui vẻ, ổn định... để hướng tới hạnh phúc cho giáo viên và học sinh’.
Cách nhìn về ngôi trường hạnh phúc của nữ hiệu trưởng xứ Thanh
Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP. Thanh Hóa) được tổ chức sinh nhật tập thể tại lớp.

Đó là một trong những quan điểm và góc nhìn của nữ hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) – cô giáo Đào Thị Yên.

Ngôi trường hạnh phúc là gì?

Theo đó, quan điểm của nữ hiệu trưởng này, dù chưa đưa vào kế hoạch hàng năm, nhưng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Minh Khai 1 luôn hướng tới điều đó.

“Một ngôi trường hạnh phúc là ngôi trường tạo được sự hứng khởi cho tất cả giáo viên, học sinh (GV, HS) mỗi khi đến trường. Mỗi khi GV và HS sinh đến trường, đều cảm thấy thoải mái, được sự quan tâm của những người xung quanh, được chia sẻ, gần gũi...thì sẽ cảm thấy hạnh phúc”, cô Yên chia sẻ.

Cũng theo cô Yên, không riêng gì cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) nhà trường, mà phụ huynh học sinh cũng cảm thấy hạnh phúc khi con mình được học ở ngôi trường ấy.

“Chúng tôi luôn mong ước được hướng tới việc tạo cho nhau một môi trường làm việc thoải mái, thân thiện, tình thương yêu giữa đồng nghiệp với nhau, giữa cô, trò và phụ huynh với nhà trường. Khi đạt những điều đó, thì tất cả mọi người sẽ thấy rằng, đó là một ngôi trường hạnh phúc.

Ở trường chúng tôi, những điều nêu trên đã song hành với nhau nhiều năm nay. Đó là sự tin tưởng của CBGVNV với Ban giám hiệu. Không những thế, phụ huynh và học sinh cũng luôn tin tưởng đối với CBGVNV nhà trường.

Câu khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, đó là phải làm thế nào để CBGVNV và học sinh đến trường cảm nhận được thực sự vui vẻ, thân thiện, hạnh phúc”, nữ hiệu trưởng bộc bạch.

Cô giáo và học sinh thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Với cách nhìn nhận về một ngôi trường hạnh phúc, cô Yên cho rằng, Ban giám hiệu của ngôi trường ấy phải tạo ra môi trường làm việc thoải mái nhất cho CBGVNV.

Người làm công tác quản lý luôn tạo ra không khí thoải mái, không căng thẳng, không gây áp lực cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

“Có một thực tế trong những năm qua, ở trường chúng tôi, là giáo viên luôn trân trọng nhau mà làm việc, mà cống hiến sức lực, trí tuệ và được ghi nhận, chứ không phải làm việc vì sợ nhau.

Ngược lại, chúng tôi luôn quan niệm một điều rằng, người làm quản lý phải luôn lắng nghe góp ý chân tình của cấp dưới, để cùng nhau tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi nhất.

Khi mối quan hệ giữa người quản lý và cấp dưới của mình suôn sẻ, êm ả, hòa đồng, đoàn kết, thì sẽ tạo nên sức mạnh của một tập thể. Sự quan tâm lẫn nhau từ những điều rất nhỏ, sẽ là mạch nguồn dẫn đến sự thương yêu nhau trong đơn vị”, cô Yên tâm sự.

Hướng đến môi trường sư phạm văn minh, thân thiện

Hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã phát động xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, với thông điệp “Thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện”.

Theo đó, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức một Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tại cụm các trường THCS&THPT, THPT huyện Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân.

Giờ tan học ở Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP. Thanh Hóa.

Tại cuộc hội thảo này, bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa bày tỏ quan điểm rằng: Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏ‌a mã‌n, đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học.

“Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại. Từ đó, họ có thể khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội”, bà Thanh chia sẻ.

Cũng theo bà Thanh, để trường học xứng đáng là ngôi nhà, tổ ấm thứ hai với mỗi CBGVNV và HS, thì những giá trị yêu thương, quan tâm, sẻ chia cần được đưa lên hàng đầu và thực hành tốt trong mỗi nhà trường.

“Giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm sâu sắc đến mỗi con người. Đó là nơi nâng niu, chắp cánh những ước mơ, khát vọng. Giáo dục phải vì con người, vì sự tiến bộ của học trò.

Giáo dục phải cảm hóa, giúp người học nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để không ngừng vươn lên hoàn thiện mình.Nhưng yêu thương phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, với nếp sống văn minh, tiến bộ”, bà Thanh tâm sự.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, để xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường cần xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng cảnh quan, không gian, môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên.

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa tổ chức Hội thảo "Trường học hạnh phúc".

Tuy nhiên, để làm được việc này, rất cần sự chung tay giúp đỡ từ các nguồn lực của xã hội, của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng nhất là đối với những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Bởi lẽ, đây là cảm xúc ban đầu và là chất xúc tác quan trọng tạo sự thư thái, gợi những xúc cảm đẹp, tiếp thêm năng lượng để người học không ngừng cố gắng trong quá trình học tập, thi cử.

“Trường học Hạnh phúc” là khái niệm rộng lớn, khó hình dung. Hạnh phúc ở mỗi đơn vị nhà trường, mỗi vùng miền lại có những mức độ khác nhau. Xây dựng trường học hạnh phúc là cần thiết và cũng cần có những tiêu chí cụ thể về “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”.

Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, thì các chủ tịch Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn, xây dựng kế hoạch triển khai trong đơn vị của mình.

Phải làm tốt công tác tuyên truyền, xem đây là một nội dung quan trọng để đưa vào sinh hoạt Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và các hoạt động khác của nhà trường.

Từ đó, có thể triển khai một cách hiệu quả chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo - bà Thanh đề nghị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật