Cuối năm kể chuyện buồn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm ấy. Vào dịp cuối năm cả cơ quan vắt chân lên cổ chạy nước rút để tiêu cho hết ngân sách đã được cấp. Nụ cũng có vài việc phải hoàn thành. Đang sấp sấp ngửa ngửa việc nhà việc cơ quan thì chồng Nụ alo: ’Bà bị cảm nặng. Cô về đưa mẹ đi viện ngay’. Nụ cuống cuồng xin phép nghỉ làm, theo xe của cơ quan chồng về đón tắp lự.
Cuối năm kể chuyện buồn
Minh họa: Bùi Quang Đức

Thực ra, tình hình không đến mức như vậy. bệnh của mẹ chồng Nụ cũng thường thôi, không đến mức phải nhập viện. Bà có tiền sử cao huyết áp nhưng vẫn được theo dõi thường xuyên. Có đứa cháu gái là nhân viên y tế của huyện nên vẫn có thuốc bảo hiểm cấp. Đang mùa đông. Thời tiết thất thường. Lúc nắng nóng oi bức, lúc lại mưa phùn, gió bấc làm cho bà đau hết mình mẩy, không muốn ăn uống gì. Cháo cũng không muốn nuốt, bà nằm bẹp trên giường. Đến bữa con cháu mang gì đến bên giường bà cũng lắc đầu. Người già tuổi cao, mà hai ngày liền không ăn uống gì chỉ nằm rên thì sức lực còn đâu. Bà như tàu lá héo, không dậy được, không thể bước chân xuống đất. Con cái thì nhiều nhưng khi mẹ ốm có ai chăm được đến nơi đến chốn đâu. Thấy tiếng rên của bà cụ yếu dần người ở nhà alo cho “cậu Thành”, chờ người ở phố về đưa người ốm đi Hà Nội.

Chồng Nụ là con thứ trong nhà nhưng mỗi khi có ai đó ốm đau là nhất nhất ở nhà lại gọi “chú Thành”, gọi “cậu Thành”. “Cứ ra Hà Nội đã, khám xem sao, không phải vào viện thì ngoại trú. Ở ngoài phố được chăm sóc tốt hơn ở quê tỷ lần”. Người ở quê chỉ thấy người phố quần áo lụa là, nhà không chỗ nào dính bụi, sống sang chảnh, có khi cả ngày ăn quán, đâu cần nổi lửa, nấu nấu nướng nướng ngày vài ba bận như ở quê. Muốn ăn gì ra khỏi cửa nhà là có hàng quán, ê hề món, tha hồ chọn. Người ở quê đâu biết được, người lao động ở phố lương ba cọc ba đồng. Chưa đến tháng lĩnh lương tiền đã hết. Méo mặt vì đến ngày điện gọi tiền, nước gọi tiền, cô giáo của con gọi tiền học... Cuối năm lo tiền bỏ phong bì đi ăn “cơm bụi giá cao” cũng khốn khổ khốn nạn cái hạng nhân viên hành chính sự nghiệp quèn ở phố. Được lệnh đưa mẹ đi Hà Nội là mọi người nhiệt tình cõng người bệnh ra xe. Phủi tay. Việc xong.

Nếu là gia đình khác, không có con cái ở Hà Nội, hoặc là có con cái ở Hà Nội nhưng điều kiện không cho phép thì bệnh như mẹ chồng Nụ sẽ không cần phải đưa đi, không ngóng người về đón đi chữa trị ở tận phố. Chỉ ăn uống bồi bổ dưỡng sức, thuốc men thông thường, nghỉ ngơi rồi sức khỏe sẽ phục hồi. Thực lòng, Nụ cũng không muốn đưa mẹ chồng ra Hà Nội dịp ấy. Cuối năm công việc rất nhiều, nhưng cô không thể đưa ra ý kiến gì khi chồng bảo cô xin phép cơ quan nghỉ việc theo xe về đưa mẹ ra ngay. Nụ biết, khi chồng cô quyết cái gì thì chỉ có thuận theo mà thôi, không có chuyện trái ý.

Mẹ chồng Nụ nhập viện. Cô em chồng theo chăm sóc tại bệnh viện hai bốn trên hai bốn tiếng. Nụ chỉ phải chạy ra chạy vào, thăm nom cho phải phép vì mọi việc chữa trị thì đã có bệnh viện. Việc chăm sóc người bệnh thì có cô em gái của chồng. Nụ bận tối mặt tối mày. Việc không làm xong trong năm tài chính tiền sẽ mất. Năm sau không được cấp bổ sung kinh phí thì sẽ mất công toi những gì đã làm chưa thanh toán được.

Nhưng hình như chồng Nụ không biết về điều đó. Thành nhất định bắt vợ phải lo việc nấu cơm đưa vào bệnh viện phục vụ mẹ và em gái ngày hai bữa sáng và tối. Nụ không nghe, bảo chỉ có thời gian nấu được bữa tối. Thế là sinh chuyện. “Mẹ kiếp. Cứ làm như cơ quan vắng cô thì việc không chạy. Lương vài triệu còm, có đủ mua phấn son trát vào cái mặt cô hàng ngày không? Còn phép thì xin nghỉ đi, không thì bỏ việc luôn đi. Không có mấy đồng lương của cô thì ...”. Mặc chồng làu bàu. Nụ chỉ lặng câm. Cô cũng không nghe hết.

Tháng nào cũng vậy, khoảng giữa tháng chồng Nụ mới đưa tiền cho cô. Việc lấy được những đồng tiền, chỉ vài triệu bạc từ túi của chồng để chi tiêu cho gia đình luôn vô cùng khó khăn. Ấy là chỉ một phần trong tiền lương của chồng mỗi tháng. Còn lương của Thành bao nhiêu Nụ cũng không biết. Cô chỉ nhận chừng đó để trả tiền điện, tiền nước, lo ăn uống học hành cho đứa con. Chồng Nụ do đặc thù công việc nên rất ít khi ăn ở nhà. Ngày nghỉ Thành cũng đi tiếp khách hoặc đối tác mời. Ngày nào Thành cũng đi từ sáng đến tối khuya. Khi mẹ con Nụ lên giường và chìm vào giấc ngủ thì Thành mới trở về nhà. Nếu hôm nào chồng Nụ có chuyện gì khó ở trong người thì biết liền. Thành về đến nhà làm gì cũng gây tiếng động mạnh, kiểu đàn bà đá thúng đụng nia.

Một tối khuya. không hiểu bực bội từ đâu người chồng về nhà mở toang cánh cửa căn phòng hai mẹ con Nụ đang ngủ. Anh ta mở toang cánh cửa phòng, bật hết các công tắc đèn chiếu sáng trong phòng. Tiếng cánh cửa gỗ thịt đập mạnh vào bức tường gạch xây đôi. Nụ và đứa con cùng giật mình tỉnh giấc, chưa hiểu chuyện gì thì nghe tiếng Thành quát: “Làm gì mà chưa chập tối đã ngủ như lợn thế? Đúng là lũ ăn hại. Lũ chó...”. Hai mẹ con Nụ vẫn nằm im như đang ngủ. Thành quay ra, đá thêm một phát vào cánh cửa đang mở, gây thêm một tiếng động rất khó chịu nữa. Thành bỏ mặc đèn, bỏ mặc cửa mở toang... đi về phòng của mình.

Một lúc lâu sau, Nụ dậy khép lại cánh cửa và tắt hết đèn. Cô nằm xuống giường ôm đứa con bé bỏng vào lòng, nói: “Thôi ngủ đi con”. Thằng bé cũng ôm chặt mẹ, hỏi: “Bố bị làm sao thế hả mẹ?”. “Mẹ không biết”. Chắc nghe giọng người mẹ nghẹn ngào, thằng con sờ lên mắt mẹ. Bàn tay nhỏ xíu của nó vuốt theo vệt nước đang chảy tràn trên má Nụ. Dẫu biết là người mẹ đang khóc, nhưng nó vẫn hỏi: “Mẹ khóc à?”. Rồi thằng con vỗ về: “Thôi nín đi. Chắc bố chửi thế thì bố mới sướng”...

Dần dà, Nụ biến thành osin thực thụ trong chính nhà mình. Osin Nụ không lương, không thưởng, không gì. Tháng nào cũng vậy Nụ phải tiêu hết sạch suất lương mọn của cô cho sinh hoạt gia đình và vài việc vặt. Việc â‌ּn á‌ּi với chồng cũng trở thành xa xỉ với Nụ.

Thường thì Nụ phải hỏi Thành mới đưa tiền. Một lần Nụ bí tiền tiêu, đến kỳ nộp tiền học thêm cho con và tiền điện. Nụ vào phòng làm việc của chồng hỏi lương thì Thành nói: “Tôi đưa tiền cho cô rồi chứ nhỉ?”. “Đầu tháng anh đi công tác phía Nam hơn một tuần. Từ hôm về đến giờ là một tuần. Anh đã đưa tiền cho em đâu”. Thế là người chồng văng tục: “Lúc đ. nào cũng tiền. Cứ nhìn thấy cái mặt cô là tiền! Tiền!”. “Tiền lương của em tiêu hết rồi. Anh không đưa thì lấy tiền đâu đóng học cho con? Tiền điện nữa. Ăn uống bằng gì từ giờ đến hết tháng?”. “Ăn bằng cái con củ c. gì thì cô tự mà lo lấy. Tôi là con trâu kéo cày cho mẹ con nhà cô chắc”. Mặc kệ. Nụ cứ đứng lỳ ra ở bên cạnh chồng.

Hôm nay Nụ phải lấy bằng được tiền của chồng. Rồi Thành cũng đứng lên. Anh cố tình huých mạnh vào người Nụ. Cú huých bất ngờ làm cô suýt ngã nhào. Thành đi đến góc nhà nơi có cái cây treo quần áo. Anh tìm trong túi quần, lấy ra cái ví bằng d‌a mà‌u nâu còn mới coóng, bóng loáng, căng phồng giấy tờ tùy thân, các loại thẻ và tiền. Thành rút tiền, đếm, đếm. Xong, người chồng vứt toẹt xấp tiền đủ loại mệnh giá trong tay xuống sàn nhà, kiểu người ta rải giấy vụn trong một trò chơi. Anh chồng hằn học buông lời: “Này thì tiền”.

Nụ lặng thinh, nhẫn nhịn cúi nhặt từng đồng tiền chồng vừa ném xuống, tung tóe trên sàn nhà mỗi tờ một nơi, không bỏ sót một tờ nào. Nắm chặt những đồng tiền như kiểu bố thí bất đắc dĩ của người chồng, Nụ vô cùng uất ức nhưng cô vẫn lặng câm. Nụ cảm thấy ruột mình như vừa bị ai xát muối. Đau đớn! Ê chề!... Từ đó, Nụ giao cho đứa con trai bậc tiểu học hỏi tiền lương của bố nó mỗi tháng.

*

Mẹ chồng ra viện đúng ngày cơ quan đối tác tổ chức nghiệm thu công việc người ta giao cho Nụ. Lịch họp do bên thuê khoán chuyên môn chủ động ấn định. Nụ là người phải chấp hành. Đôi khi ở cơ quan nói vui, buổi đó là buổi “lên thớt”. Cả ngày túi bụi công việc, hết giờ làm Nụ vẫn chưa ra khỏi cơ quan. Cô không thể đến bệnh viện đón mẹ chồng, để mặc người lái xe riêng của Thành và người em đưa mẹ về nhà. Việc đó làm cho chồng Nụ rất không hài lòng.

Sáng, Nụ dậy từ chưa sáu giờ, đi chợ lo ăn cho cả nhà. Tám giờ kém cô mới dắt được xe ra cửa. Người chồng lao theo: “không đo huyết áp cho bà à?”. Cô bảo phải đi vì có cuộc họp. Chồng cô làu bàu gì đó. Nụ không kịp nghe.

Mười một rưỡi cuộc họp tan, Nụ phóng xe về làm cái việc mà chồng cô yêu cầu ban sáng. huyết áp của mẹ chồng rất “đẹp”, một trăm ba mươi nhăm trên sáu mươi. Suốt khoảng thời gian nằm viện huyết áp của bà cũng chỉ quanh đâu đó một trăm bốn mươi trên tám mươi. Hỏi bà thấy trong người thế nào thì mẹ chồng bảo bình thường. Nụ giao hẹn với mẹ chồng: “Từ nay con sẽ không đo huyết áp cho bà thường xuyên nữa. Lúc nào bà cảm thấy khác trong người thì bảo con kiểm tra. Bà cố ăn cho nhanh khỏe để về quê ăn Tết”. “Ừ” - Nghe giọng bà mẹ thấy rõ sự bất đắc dĩ mà ừ. Nụ hiểu là mẹ chồng chưa muốn về quê. Nếu không phải vì áp Tết bệnh viện giải phóng bớt bệnh nhân thì bà cũng chưa muốn ra viện. Hôm bác sĩ đi buồng đến bảo cho bà ra viện thì cụ hỏi: “Tôi đã phải ra viện rồi à bác sĩ ơi?”. Mấy bà cùng buồng cười ồ. Bác sĩ cũng cười, bảo: “bệnh của cụ ổn rồi. Sắp Tết đến nơi. bệnh nặng mới phải nằm lại bệnh viện...”.

Sáng nay, Nụ dậy đi chợ sớm. Mẹ chồng vẫn ngủ nên Nụ không hỏi xem bà muốn ăn gì. Ra chợ, cô nghĩ mua mấy con bún nắm và lạng giò lụa cho bà. Khi nghe tiếng Nụ bảo cô em chồng cho bà ăn bún xong thì pha sữa cho bà uống thêm, người chồng tinh tướng còn đang nằm trên giường chưa mở mắt, đã mở mồm: “Người ốm cho ăn bún lạnh ngắt thì ăn thế nào?”. Nụ lặng thinh, không đối chày đối cối với chồng. Cô chỉ dặn em chồng hỏi xem nếu bà không ăn bún thì đi mua cái gì đó nóng cho bà ăn, rồi thay đồ, dắt xe đi.

Chả hiểu sao Thành cũng sinh ra từ rơm rạ giống Nụ. Cũng chân đất. Cũng quần manh áo vá một thời. Cũng nhờ ngô khoai là chính mà lớn lên. Bố mẹ Thành cũng chân lấm tay bùn. Tối đến chỉ ba xoa hai đập đôi chân đất sau một ngày lao động là lên giường. Sao Thành không biết quà sáng với người nông dân không phải phở bò tái, trứng chần. Khi khỏe chỉ cần vài củ khoai, bát cơm nguội với dưa cà là ra đồng. Lúc khó ở trong người, đau ốm chán ăn cũng chỉ vài thứ quà quê là vừa cái miệng.

Mẹ chồng Nụ vẫn uống sữa Ensure là chính thay ăn từ lâu nay vì hàm răng của bà đã rụng gần hết. Còn mấy cái răng cửa thì đã lung lay hết. Đã nhiều lần bà ốm ra Hà Nội dưỡng bệnh. Nụ cũng đã ướm hỏi xem bà ăn gì mỗi sáng. Bà chỉ thích món bún, bánh mì, bánh nếp hay bánh tẻ. Bánh giò bà không ăn, chê nhão nhoẹt. Bún thì không cần kèm chả, kèm giò, chỉ cần chút nước mắm ngon. Bánh mì cũng vậy chỉ cần chấm sữa đặc, không kẹp trứng, hay chả, giò gì hết...

Ra đến đường lớn, nước mắt Nụ chảy tràn xuống 2 má... Nụ giật mình khi cô húc vào đít xe người thành niên đi phía trước. Người thành niên quay lại nhìn Nụ, bảo: “Chị đi cẩn thận tí chứ!” - Ánh mắt của người trai trẻ tỏ rõ sự khó chịu. Nụ chỉ gật gật cái đầu thay lời xin lỗi. May là Nụ đội mũ bảo hiểm và bịt khăn chống nắng kín mít nên người thanh niên không nhận thấy cô đang khóc.

Ngày nghỉ. Cơ quan vắng tanh. Hình như hôm nay chỉ có một mình Nụ đến làm. Vừa bật máy tính, mở cái file đang làm dở thì chuông điện thoại bàn reo, Nụ không ngạc nhiên và đoán là Thành gọi. Nụ nghĩ chắc chồng cô lại ra lệnh đột xuất gì đó. Cầm ống nghe áp vào tai, Nụ lên tiếng trước: “Alo”. “Đ. cái con mẹ mày. Mày bỏ mẹ tao ở nhà đi đâu thế? Ngày nghỉ mày đến cơ quan làm gì? Nếu mày thích đến cơ quan hơn là ở nhà thì cuốn xéo khỏi nhà tao luôn đi nhé…” - Tiếng người chồng chửi rất tục tĩu ở đầu bên kia. Rồi không cần đợi vợ trả lời, Thành cúp máy. Chả nhẽ chỉ vì bữa sáng cho mẹ chồng ăn không vừa ý chồng mà Nụ phải ăn chửi như vậy ư?

*

Thời gian mới lấy chồng, Nụ đã rất cố gắng chỉn chu với vai trò người vợ, người con dâu trong gia đình nhà chồng. Nụ cố gắng làm tất cả để chồng và cả nhà chồng cô vừa lòng nhưng hình như Nụ càng cố càng thấy hỏng. Nụ càng cố bao nhiêu thì cô càng mắc lỗi nhiều hơn với mọi người trong nhà chồng. Nụ có cảm giác, cô đã sai quấy nhiều tới mức nếu được chọn vợ lại thì chắc chắn Thành sẽ không chọn cô. Nụ buồn lắm.

Nụ đã cung phụng bố mẹ chồng, cúc cung tận tụy phục vụ chồng con đến tàn cả tuổi xuân. Có ai trong gia đình nhà chồng Nụ đếm xỉa đến công sức của cô đâu. Kể cả người chồng, tưởng là người đã thương yêu, đã hiểu cô nhưng không phải thế. Sự gia trưởng, sự ghẻ lạnh của chồng Nụ mỗi ngày hiển hiện rõ ràng hơn. Những cục cằn thô lỗ ở người chồng càng thường xuyên liên tục hơn. Nụ từng là một cô gái quảng giao, hay nói hay cười có chính kiến. Nhưng từ khi làm vợ Thành, Nụ cứ phải nhẫn nhịn. Nụ không phản ứng lại khi bị Thành mắng mỏ vôi lối.

Ngày tháng trôi đi, tình cảm vợ chồng như bát nước phơi trước nắng gió cứ vơi cạn dần. Thành thì cố tình hắt bớt đi từng ngày. Nụ sống khép mình, ít nói. Cô trở thành trơ lì trước người chồng gia trưởng. Ngày hai mươi hai tháng chạp và là ngày cuối tuần, vì công việc cần phải làm cho xong, Nụ bỏ việc nhà đến cơ quan. Ngồi một mình, ôm cái máy tính. Vơ vẩn, cô tự vấn bản thân: “Mình đã sai những gì nhỉ? Mình bắt đầu sai từ bao giờ nhỉ? Liệu mình có khả năng thay đổi tình trạng này không? Tại sao lại phải chịu đựng như vậy mãi thế? Mày có đáng bị đối xử như vậy không, Nụ? Sao mày lại đánh mất hết cả lòng tự trọng thế này chứ?”... Nụ như người đã và đang đánh mất chính mình. Nụ đã cố gắng chịu đựng Thành nhưng đổi lại thì cô được gì nhỉ? Nụ cố níu giữ cuộc hôn nhân, cố níu giữ gia đình vì cái gì chứ?

Tức nước thì bờ vỡ thôi. Nụ quyết định bật lại. Như lời khuyên của một cô bạn “con chấy cắn đôi”: “Sao mày cứ để lão chồng gia trưởng ấy đè đầu cưỡi cổ mãi thế? Lành làm gáo vỡ làm muôi đi. Hôn nhân mà như cái nhà mồ ấy à? Níu giữ làm gì nữa?”... Với lý do mẹ ốm, Nụ xin cơ quan nghỉ trừ vào phép năm sau. Trưa ngày hai mươi ba tháng Chạp. Sau khi mua đồ lễ cúng ông Công ông Táo xong Nụ thu xếp đồ đạc tư trang cá nhân cho vào cái túi du lịch to, cột chặt sau xe máy. Nụ quyết định về quê ăn Tết với mẹ.

Trước khi dắt xe đi Nụ ghé phòng của mẹ chồng nói: “Bà ơi, các em nhắn ra mẹ con bị ốm. Con phải về quê gấp...”. Nụ đã nói dối cơ quan, nói dối mẹ chồng mà cứ trơn tru, tuồn tuột. Chả thấy ngượng mồm, ngượng miệng gì mới lạ.

Ra khỏi nhà nước mắt Nụ bắt đầu tuôn rơi. Không biết nước mắt ở đâu mà nhiều thế chứ! Nụ cố trấn tĩnh, nắm chắc tay ga và nghĩ đến cảnh tượng lúc về đến sân nhà của mẹ. Mẹ sẽ ồ lên ngạc nhiên, hỏi sao năm nay về sớm thế. Ngay sau đó, ánh mắt vui mừng của mẹ sẽ tắt ngấm sau khi nhìn kỹ vào mặt, vào đôi mắt u sầu mọng nước của con gái...

Chuyện sau đó mới thật sự là buồn.

Viết xong tại Xuân Đỉnh, ngày đầu tháng chạp Quý Mão

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật