Hơn 20 học sinh lớp 8, 9 ở Quảng Ninh gặp phản ứng “lạ” sau tiêm vắc xin “do tâm lý dây chuyền”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, hơn 20 học sinh trung học cơ sở ở Quảng Ninh có biểu hiện chóng mặt, nôn ói, tay chân run, khó thở, ngất... phải đi cấp cứu.
Hơn 20 học sinh lớp 8, 9 ở Quảng Ninh gặp phản ứng “lạ” sau tiêm vắc xin “do tâm lý dây chuyền”
Ảnh minh họa

Một phụ huynh học sinh chia sẻ, con chị tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer, trước khi tiêm các bé vẫn khoẻ bình thường nhưng sau tiêm thì hơn 20 cháu học sinh lớp 8, lớp 9 của trường có hiện tượng nôn ói, tay chân run, khó thở và có cháu ngất.

Ngay sau đó các cháu đã được đưa lên xe cứu thương đưa về BV thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cấp cứu. Phụ huynh này cho biết con gái chị tiêm mũi 1 về chỉ mệt mỏi nhưng sau đó hết, đến mũi 2 có mẹ đi cùng nên không phải do lo lắng, chị lo sợ không rõ vắc xin có vấn đề gì không?

Hiện 20 cháu học sinh đang được theo dõi tại BV thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Được biết toàn bộ đội tiêm hôm nay do BV thị xã Đông Triều tiêm, các y bác sĩ đã được tập huấn và chuẩn bị rất chu đáo phòng nguy cơ sốc phản vệ.

Khi có hiện tượng ’lạ’ các y bác sĩ đã tiến hành sơ cứu tại chỗ và nhanh chóng chuyển các cháu về bệnh viện. Đến chiều nay các cháu đã khoẻ, ăn uống được, may mắn không cháu nào bị nặng.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Ninh Văn Chủ - Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, xác nhận có xảy ra hiện tượng hàng loạt học sinh cấp 2 có phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Chủ cho rằng đó là do các cháu bị hội chứng tâm lý dây chuyền, sợ hãi chứ không phải sốc phản vệ. Đây không phải là vấn đề trầm trọng về y khoa nhưng ảnh hưởng về tâm lý, chỉ cần trẻ có thay đổi về tâm lý, hốt hoảng, sợ hãi thì có thể ngất. Các trẻ khác sẽ có biểu hiện tương ứng đi theo.

Một bác sĩ chuyên khoa BV Nhi đồng TP.HCM cho biết khi tiêm vắc xin phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin ở trẻ thường không xảy ra theo trình tự và diễn tiến rất nhanh, có nhiều nhóm triệu chứng gồm: da và niêm mạc (nổi mề đay toàn thân; ngứa hoặc sưng đỏ; sưng môi, mặt, mắt...), hô hấp (nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cổ họng nghẹt, khó thở, khò khè, ho nhiều...), tiêu hóa (đau bụng quặn thắt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy), tim mạch (chóng mặt, ngất, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp...).

Các biểu hiện của sốc phản vệ độ 1 chỉ có các triệu chứng ở da, không biểu hiện ở bất cứ cơ quan nào khác.

Ở độ 2 có biểu hiện cơ quan trở lên (mày đay, phù mặt xuất hiện nhanh; khó thở nhanh; đau bụng, buồn nôn; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp nhưng huyết áp thì bình thường).

Độ 3 biểu hiện ở nhiều cơ quan (khó thở nhiều, rối loạn tri giác, sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp).

Độ 4 là ngưng tim, ngưng hô hấp, tuần hoàn.

Các điểm tiêm cần phải theo dõi thật chặt để có thể xử lý các tình huống sốc phản vệ này và nên trang bị sẵn Adrenaline để tiêm ngay nếu có hiện tượng sốc phản vệ.

Khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo môi trường thân thiện với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm. Khi một trẻ có biểu hiện ngất xỉu, ói, mắc ói... cần cách ly, trấn an, theo dõi; hạn chế tối đa những trẻ khác thấy điều này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật