Muốn nghỉ hưu sớm phải giảm phần trăm nhận lương hưu

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hết tháng 10.2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp đã giải quyết cho khoảng 701.939 người hưởng chế độ 1 lần, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ghi nhận, một trong những nguyên nhân khiến công nhân lao động chọn cách rời hệ thống an sinh, quyết định rút BHXH 1 lần vì độ tuổi hưởng lương hưu cao khiến họ không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc.
Muốn nghỉ hưu sớm phải giảm phần trăm nhận lương hưu
Ảnh minh họa

Từ đây, người lao động mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ, nhất là những công nhân lao động tham gia sản xuất trực tiếp.

Linh hoạt trong quy định xin nghỉ hưu sớm

Bạn đọc Hoa Lan đề xuất: Nên điều chỉnh luật hợp lý, linh hoạt. Nếu lao động nghỉ hưu sớm sẽ giảm phần trăm lương hưu. Còn ai có khả năng sức khỏe, điều kiện thì làm việc đến tuổi nghỉ hưu tối đa. Khi đó sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH 1 lần và lao động ít nhiều cũng có khoản tiền hưu về già.

Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Thảo viết: Xem xét giảm tuổi hưu là đúng. Đại đa số lao động làm việc cho các doanh nghiệp không phải của nhà nước ít ai trụ nổi đến tuổi hưu. Nữ cố gắng cũng chỉ đến 50 tuổi; nếu không, 45 tuổi đã xin nghỉ việc. Theo tôi, tuổi hưu của lao động nam tăng thêm 3 năm so với nữ sẽ hợp lý. Và tạo điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi không nên kèm theo điều kiện "phải suy giảm khả năng lao động".

Liên quan đến nguyên nhân rút BHXH 1 lần, nhiều bạn đọc đã gửi đến Báo Lao Động khá nhiều bình luận mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu.

Bạn đọc Nguyễn Thị Xuyến cho hay: Người lao động trực tiếp nếu nữ đủ 60 và nam đủ 62 tuổi mới được nghỉ hưu thì sẽ không còn sức để làm việc và đảm bảo được an toàn trong sản xuất. Nên xem xét lại quy định tuổi nghỉ hưu nữ 50, nam 55 với người lao động.

Bạn đọc Hoàng Thị Bình nêu: Tôi 43 tuổi, làm công nhân với tần suất công việc khá dày nên hưởng lương hưu khi 60 tuổi là điều rất khó. Không còn sức khoẻ để tiếp tục công việc, tìm việc ở tuổi ngoài 40 lại càng khó khăn nên tôi sẽ phải rút BHXH 1 lần.

Mong muốn chính đáng của người lao động

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Tiến – viện trưởng viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nếu là góc độ một lao động bình thường, hầu hết đều mong muốn nghỉ hưu sớm, giảm thời gian làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi. Đây là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, đặt trong mối quan hệ tổng thể, thì chế độ hưu trí là chế độ cộng đồng trách nhiệm san sẻ, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng.

“Nếu ai cũng mong muốn ít thời gian đóng, giảm tiền nộp, được về hưu sớm, hưởng tiền trợ cấp hoặc hưởng lương hưu hằng tháng tăng. Vậy, lấy nguồn lực nào để giải quyết bài toán này?” – ông Vũ Minh Tiến bình luận.

Theo Tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW, việc tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động là cần thiết nhằm tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới và đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không đảm bảo sức khỏe cho người lao động vì khi đó sức khỏe của người lao động đã yếu, trí tuệ sẽ không còn đủ minh mẫn để làm việc tiếp được và đặc biệt là mối lo của lao động trẻ sẽ không có nhiều công việc dẫn đến tình trạng thất nghiệp nhiều. 

Do vậy, để tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và cân bằng thích nghi của xã hội về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Nghị định 135/2020/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật