Khu vườn “trên cao” xanh tốt, vui tuổi già của những người phụ nữ Việt U70

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều gia chủ Việt dù đã ở tuổi 70 vẫn “hô biến“ sân thượng thành khu vườn “trên cao“ để trồng rau trái sạch, cung cấp thực phẩm cho cả gia đình và tận hưởng tuổi già.
Khu vườn “trên cao” xanh tốt, vui tuổi già của những người phụ nữ Việt U70
Ảnh minh họa

Khu vườn "trên mây" của nữ cựu chiến binh 75 tuổi ở Vũng Tàu

Cô Ngô Thị Xuân Thọ (75 tuổi, sống ở phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu) bắt đầu làm vườn, trồng rau trên cao từ năm 2007. Ban đầu, cô chỉ trồng vài loại rau đơn giản như mồng tơi, rau dền ở ban công cho cháu nội ăn. Khi gia đình có thêm thành viên nhí, cô Thọ quyết định thiết kế khu vườn trên sân thượng, trồng nhiều giống rau trái hơn để giải quyết nhu cầu thực phẩm sạch của cả nhà.

Vườn sân thượng của gia đình cô Thọ rộng 35m2. Trước đó, cô chủ yếu trồng nhiều rau, bí và dưa leo nhưng cả gia đình sử dụng không hết và chia sẻ với bạn bè, hàng xóm xung quanh.

Cách đây 2 năm, gia chủ quy hoạch lại vườn cho khoa học, dành 2/3 diện tích để trồng cây ăn quả. Cô hàn thêm một chiếc kệ sắt hai tầng, kết hợp với phần không gian còn lại bố trí làm chỗ trồng nhiều loại rau khác nhau.

Cô Thọ sử dụng loại chậu trọng lượng nhẹ, có kích thước 20x22x19cm trồng su hào, súp lơ với một số rau ăn lá, vừa tiết kiệm diện tích, vừa thuận tiện cho việc sắp xếp, di chuyển khi cần và chăm sóc vườn.

"Trước đây, tôi làm vườn theo sở thích, muốn vườn phải có cây này cây kia để tạo cảnh quan đẹp mắt nhưng thiết kế chưa phù hợp nên nhìn vườn khá tùm lum. Giờ tuổi cao, tôi ưu tiên chọn những giống cây dễ trồng dễ chăm và nhanh cho thu hoạch", cô Thọ nói.

Trong vườn hiện có nhiều giống rau như su hào, súp lơ, rau ngót, rau đay, bí xanh, mướp đắng, cà tím,... Nữ cựu chiến binh còn trồng thêm các loại trái cây cao cấp như táo lai lê Đài Loan, nho thân gỗ, nho leo, ổi và cherry.

Cô Thọ chủ yếu dùng phân hữu cơ như phân bò (đã qua xử lý, ủ kỹ) kết hợp phân trùn quế và phân cá để vườn luôn xanh tốt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Dù tuổi đã cao, gia đình không ai làm nông nghiệp mà bản thân lại hạn chế kinh nghiệm trồng trọt trên sân thượng nhưng cô Thọ vẫn gây dựng lên khu vườn "trong mơ", thu được thành quả lao động xứng đáng. Nhiều bạn bè thân thiết còn thích thú gọi cô là "kỹ sư không bằng".

Chăm cháu ăn dặm, bà nội Vũng Tàu làm vườn rau trái sum suê "trên nóc nhà"

Năm 2011, khi có cháu nội, cô Trần Minh (65 tuổi, ở Vũng Tàu) càng quan tâm về vấn đề thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Nghĩ vậy, cô bắt đầu cải tạo sân thượng để làm vườn trồng các loại rau và cây ăn trái.

Trên sân thượng rộng 80m2, cô Minh phân chia thành các khu vực trồng từng nhóm cây riêng biệt, bố trí khoa học và gọn gàng. Gia chủ ưu tiên trồng rau theo mùa, chủ yếu là các giống rau ngắn ngày, cho thu hoạch thường xuyên như mồng tơi, rau muống, cải xanh, cải làn, cải ngọt, súp lơ, su hào, cải bắp, cà chua, cà tím....

Ngoài ra trong vườn còn có các loại cây thân leo như bầu, bí, mướp, mướp đắng (khổ qua) và một số cây gia vị, rau thơm như ớt, hành lá mùi tàu, xà lách, húng chó hay cây ăn trái như táo, dưa bở, dưa lê, dưa chuột,... 

Làm vườn trên sân thượng có nhiều khó khăn hơn dưới mặt đất nhưng gia chủ U70 kiên trì học hỏi và tự rút ra kinh nghiệm từ thực tế. Cô cho hay, để trồng trọt "trên cao" được hiệu quả thì cần lựa chọn giống cây thuần chủng, thích hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương.

Khâu trộn đất cũng là yếu tố quan trọng. Đất cần được làm sạch, đảm bảo không có mầm bệnh trước khi trồng cây và bổ sung đủ dinh dưỡng để cây phát triển khỏe mạnh.

Mỗi ngày, chủ nhân khu vườn dành chút thời gian buổi sáng sớm và chiều tối để lên sân thượng chăm sóc cây cối. Cô cũng theo dõi kỹ lưỡng, hiểu đặc tính của từng loại cây để phát hiện và xử lý kịp thời khi cây gặp sâu bệnh.

Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, kết hợp với quá trình chăm sóc cẩn thận của cô Minh mà khu vườn trên sân thượng luôn xanh tốt, đạt năng suất cao. Cô cũng trồng được rau trái quanh năm nên trong nhà luôn có nguồn thực phẩm sạch để sử dụng.

Đặc biệt trong mùa dịch, phải hạn chế ra ngoài, bà nội U70 vẫn thoải mái cải thiện bữa ăn hàng ngày, cung cấp thực đơn đủ dinh dưỡng cho cháu nội và cả nhà nhờ vườn rau trái "trên cao" luôn sum suê.

Khu vườn giao mùa toàn trái "khủng" của bà giáo về hưu ở Hà Nội

Cô Bùi Thị Nga (sống ở Hà Nội) là chủ nhân của khu vườn sân thượng tràn ngập rau xanh và cây lấy trái có kích thước "khủng". Tháng 8 vừa qua, cô bắt đầu ươm hạt giống cho vụ thu đông như bầu, mướp táo,... và nhanh chóng thu được thành quả ngoài mong đợi khiến nhiều người cũng phải trầm trồ.

Cô Nga bắt đầu làm vườn trồng rau từ khi chuyển sang ở nhà riêng cách đây hơn 20 năm. Năm 2003, khi sửa lại nhà, cô cải tạo lại sân thượng để quy hoạch vườn khoa học hơn. Suốt hàng chục năm làm "nông dân sân thượng", ngoài các loại nông sản truyền thống, cô còn thử sức trồng nhiều giống cây mới lạ, cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng và thơm ngon cho cả gia đình thưởng thức.

Mùa nào thức nấy, cựu giáo viên đảm đang ưu tiên trồng rau trái theo mùa để tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc, đồng thời hạn chế được sâu bệnh. Vụ thu đông năm nay, cô thử trồng các giống cây mới là bầu, bí khổng lồ và mướp táo.
Chỉ sau gần 2 tháng ngắn ngủi, khu vườn nhỏ đã cho quả "bội thu". Gia chủ thu hoạch được những quả mướp táo nặng hơn 1kg, riêng bầu thì có trái đạt gần 3kg.

Ngoài ra, trong vườn còn có mướp đắng, rau cải và xà lách trồng dưới sàn. Các chậu treo được cô Nga bố trí trồng su hào và bắp cải. Do đợt giãn cách xã hội kéo dài nên vụ mùa năm nay, cô gieo trồng muộn hơn so với mọi năm.

Để bầu, bí sai quả, cô phải làm đất trước một tháng rồi ủ rác nhà bếp với đất và phân trùn quế. Sau khi gieo hạt khoảng 3 tuần, cây bắt đầu lên lá thì cô xới đất tơi xốp và trồng cây con vào. Trồng được 2 tuần, cô tiến hành pha nước ủ rác và phân trùn quế, dịch chuối rồi tưới 3 ngày/lần để cây có đủ dinh dưỡng và lớn nhanh.

Giai đoạn cây đậu trái thì gia chủ bón thúc thêm phân NPK và phân trùn quế mỗi tuần một lần bằng cách trộn phân với đất theo tỷ lệ 1/1. Rắc vài nắm phân nhỏ vào mặt gốc cây rồi tưới ẩm để phân tan dần.

Các giống cây đều dễ trồng, dễ chăm và phát triển nhanh nên sau gần 3 tháng, cô Nga đã thu hoạch được hai lứa. Ngoài chế biến các món ăn, cải thiện bữa cơm cho gia đình, cô còn giữ lại một số quả đạt chất lượng để làm giống ươm trồng cho vụ sau.

Nhờ khu vườn nhỏ trên sân thượng mà gia đình cô Nga có nguồn rau trái sạch thoải mái sử dụng thường xuyên, lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Sau khi về hưu, việc trồng trọt, chăm cây còn trở thành thú vui giúp bà giáo U70 giải tỏa tinh thần và thư giãn, sống khỏe hơn mỗi ngày.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật