Người trẻ Huế cũng phản đối quan điểm “không có con trai sẽ ly hôn”: Đừng nói Huế lạc hậu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến với các chương trình ghép đôi hẹn hò, không ít chàng trai hoặc cô gái đã gây xôn xao bởi những quan điểm yêu đương, tìm kiếm bạn đời của mình.
Người trẻ Huế cũng phản đối quan điểm “không có con trai sẽ ly hôn”: Đừng nói Huế lạc hậu
C.H xuất hiện trong chương trình ghép đôi hẹn hò. (Ảnh: Fanpage Hành Lý Tình Yêu)

Tuy nhiên, việc này đôi khi không chỉ ảnh hưởng tới riêng lẻ một cá nhân mà còn tác động đến rất nhiều người.

Cụ thể, C.H – chàng trai 30 tuổi, người gốc Huế đã đến với chương trình Hành Lý Tình Yêu (tập phát sóng ngày 29/11) nhằm tìm kiếm nửa kia của cuộc đời. Tại trường quay, anh thổ lộ khá thoải mái về quan điểm chọn bạn đời như không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc, phải có trình độ,…

Đáng chú ý, người này còn nhấn mạnh quan điểm: “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai”. Nguyên nhân được giải thích là dòng tộc của H. rất coi trọng con trai và muốn có cháu đích tôn nối dõi. Liên quan đến vấn đề này, H. tâm sự rằng bản thân đồng ý với tư tưởng chuyện hệ trọng trong gia tộc chỉ có đàn ông con trai quyết định, đàn bà ngồi mâm dưới.

Những phát ngôn của chàng trai 30 tuổi vẫn còn lẻ bóng khiến cho nhiều người khá bất ngờ, thậm chí là “sốc nặng”, tạo ra không ít cuộc tranh cãi trái chiều. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ xứ Huế cũng rất bức xúc với quan điểm trên.

Chàng trai có nhiều phát ngôn khiến dân tình hoang mang. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, L.N (29 tuổi) nói: “Năm 2021 rồi nhưng sao còn có người trẻ suy nghĩ một cách cổ hủ như vậy nhỉ? Tôi tưởng quan điểm “trọng nam khinh nữ” chỉ có ở thời phong kiến chứ người Huế nay đâu như thế nữa”.

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn hóa Huế – ông Nguyễn Xuân Hoa nhận định rằng một phần phát ngôn của H. là “tào lao”. Theo đó, ông Hoa thông tin cho biết tại Huế, nhiều gia đình vẫn có tư tưởng mong sinh được con trai để nối dõi nhưng không đến mức “bị cuồng”. Thay vào đó, họ có xu hướng “trọng nữ hơn nam” khi sinh con vì con gái thường chu đáo, chăm sóc bố mẹ già lúc ốm đau bệnh tật. Riêng vấn đề “mâm trên, mâm dưới” là lệ thời xưa, chỉ xuất hiện trong quan lại hoặc hoàng tộc và “văn hóa Huế, người Huế không có chuyện đó”.

“Quan điểm cá nhân riêng nhưng không nên đánh đồng cho một tập thể” – đó là nhận định của một số bạn trẻ. (Ảnh: Dân Trí)

Một số bạn trẻ khác ở Huế lại tỏ ra khá bức xúc khi dư luận chĩa thẳng mũi dìu vào danh xưng “người xứ Huế”. Giãi bày tâm sự với chúng tôi, bạn Đ.L (25 tuổi, sống ở thành phố Huế) nói: “Mình không đồng ý quan điểm của anh C.H, cũng có thể đây là biên tập chương trình dàn dựng. Thế nhưng, làm ơn đừng chỉ trích người khác bằng cách lôi cả quê hương người ta vào rồi đánh đồng suy nghĩ. Đồng thời, việc lấy định kiến giới để câu khán giả rồi tạo điều kiện cho dân mạng bắt nạt người khác trực tuyến có sai không? Các bạn có quan điểm riêng, và người ta cũng vậy. Thay vì chỉ trích, hãy tìm cách tháo gỡ”.

Hiện tại, những thông tin trái chiều về các phát ngôn của nam thanh niên trong chương trình Hành Lý Tình Yêu vẫn đang thu hút khá đông sự quan tâm của dân mạng. Trong câu chuyện này, bạn có quan điểm như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật