Tam giác quan hệ Mỹ, Nhật, Hàn tăng cường hợp lực ứng phó với tấn công mạng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàn Quốc là thành viên thứ 5 không thuộc NATO tham gia Trung tâm Hợp tác Phòng thủ Không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO có trụ sở tại Tallinn, Estonia.
Tam giác quan hệ Mỹ, Nhật, Hàn tăng cường hợp lực ứng phó với tấn công mạng
Ảnh minh họa

Các cuộc tấn công mạng

Theo Asia Times, Hàn Quốc đã tham gia nhóm phòng thủ không gian mạng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ đầu tháng 5/2022, trở thành quốc gia Đông Á thứ hai tham gia nhóm này sau Nhật Bản.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã chính thức gia nhập Trung tâm Hợp tác Phòng thủ Không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO có trụ sở tại Tallinn, Estonia và sẽ cử đại diện của Hàn Quốc tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trung tâm này. 

"Chúng tôi có kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó trên không gian mạng lên tầm đẳng cấp thế giới bằng việc tăng cường số lượng nhân viên tới trung tâm (CCDCOE) và mở rộng phạm vi đào tạo chung", tuyên bố của NIS nêu rõ.

Sứ mệnh của CCDCOE  là tiếp tục hỗ trợ NATO trong nghiên cứu, đào tạo và thực hành về  công nghệ, chiến lược, hoạt động và luật.

CCDCOE được thành lập vào năm 2008 theo sáng kiến của Estonia nhằm đối phó với các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới. Sự tham gia của Hàn Quốc đã nâng số thành viên của CCDCOE lên 32, trong đó có 27 quốc gia NATO.

"Các thách thức an ninh mạng đang gây ra mối đe dọa cho các cá nhân và nhiều quốc gia, vì vậy quá trình hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề này là rất quan trọng", NIS cho  biết trong một tuyên bố.

Hàn Quốc từng mong muốn tham gia CCDCOE từ năm 2019 để tìm hiểu thêm về các chiến lược và cách thức bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng mang tầm cỡ thế giới. Trước đây, mặc dù được xem là quốc gia đi đầu về xu hướng công nghệ khi sở hữu các gã khổng lồ công nghệ như LG hay Samsung nhưng Hàn Quốc lại chậm triển khai các vấn đề liên quan đến an ninh mạng. 

Chỉ đến tháng 4/2019, Seoul mới bắt đầu tiếp cận chiến lược an ninh mạng nhằm mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu về an ninh mạng trong các hệ thống hợp tác song phương và đa phương cũng như tăng cường đi đầu trong hoạt động hợp quốc tế. 

Nhà nghiên cứu Lee Young-hak tại viện Phân tích Quân sự Hàn Quốc chia sẻ,  Hàn Quốc sẵn sàng  làm bất cứ điều gì vì lợi ích quốc phòng và an ninh quốc gia.

Theo ông Lee, việc Hàn Quốc  tham gia an ninh và quốc phòng sẽ giảm bớt các mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện tại Seoul vừa phải liên minh với Mỹ nhưng cũng cần hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm một mối quan hệ hài hòa với  Bắc Kinh.

Mối quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản

Trong thời gian dài, Hàn Quốc thường xuyên được xem là mục tiêu tấn công mạng. Vào năm ngoái, một cuộc tấn công mạng xảy ra ở viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAER).

Theo Asia Times, cuộc tấn công dấy lên các đồn đoán rằng nhiều bí mật hạt nhân của Hàn Quốc đã bị rò rỉ. Quyết định của Hàn Quốc tham gia CCDOE sẽ đưa tam giác quan hệ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đến gần nhau hơn. Vào năm 2019, Nhật Bản đã trở thành thành viên tham gia CCDCOE, nâng cấp tư cách thành viên so với thời điểm trước đó. Là thành viên chung của CCDCOE, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể cùng nhau vượt qua các thách thức an ninh mạng trong thời gian tới.

Bỏ qua những bất đồng của hai nước, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng cường hợp tác an ninh song phương. Vào năm 2016, hai nước đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo nhằm nắm bắt các thông tin nhạ‌y cả‌m về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thỏa thuận này tiếp tục được gia hạn hàng năm trừ khi một bên quyết định rút khỏi. Cho dù là như vậy, các vấn đề căng thẳng về thương mại hay những vấn đề lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể vẫn ảnh hưởng đến quá trình hợp tác quốc phòng hay an ninh.

Trong năm 2019, Hàn Quốc từng nêu lên ý định sẽ rút khỏi thỏa thuận sau một số vấn đề mâu thuẫn. Đáp lại Nhật Bản đã áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp điện tử và vi mô của Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Seoul vẫn giữ lại thỏa thuận giữa hai nước sau khi Mỹ nêu rõ tầm quan trọng của hợp tác an ninh. Hiện tại, quan hệ ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tăng cường nhằm đối phó với các thách thức hạt nhân của Triều Tiên và kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Và CCDCOE  sẽ mang đến một khuôn khổ hợp tác quốc phòng mở rộng, mạnh mẽ và ổn định hơn giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở hiện tại và tương lai

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật