Tác phẩm điện ảnh thất bại của Công Hậu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Kẻ đào mồ“ được đạo diễn Công Hậu tâm huyết và dành nhiều công sức, đầu tư cho tác phẩm điện ảnh đầu tay. Thế nhưng, phim khiến khán giả thất vọng từ nội dung đến diễn xuất lẫn thông điệp. Sự non tay trong cách dựng phim và kịch bản yếu là nguyên nhân thất bại của bộ phim này.
Tác phẩm điện ảnh thất bại của Công Hậu
Poster phim.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở cụm rạp của CGV.

Nội dung phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật ở Cần Thơ, vào những năm 1950. Tại một làng quê liên tục những ngôi mộ của người giàu bị kẻ trộm đào bới để lấy đi vàng bạc, những vật dụng quý giá. Sở cẩm (cảnh sát) đau đầu khi điều tra mãi chưa tìm ra thủ phạm. Nhân vật tình nghi số một là Lục - một tay giang hồ chuyên đi cướp của bọn cướp và người thứ hai là Bạch Liên, cô gái quét dọn nghĩa trang xinh đẹp. Phó sở cẩm Trọng Minh đem lòng yêu Bạch Liên và nhiều lần thả cô ra vì không đủ chứng cứ kết tội. Ðến một ngày, sở cẩm quyết định giăng mẻ lưới lớn để bắt thủ phạm. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn biến theo một hướng không thể ngờ…

"Kẻ đào mồ" thuộc dạng điều tra phá án xem lẫn yếu tố tâm linh khi xuất hiện nhiều cảnh con ma tóc dài áo trắng hù dọa các nhân vật. Ðiều đáng tiếc nhất chính là cho đến cuối phim, con ma này cũng không được lý giải nguồn gốc và xuất hiện với vai trò gì. Cảnh điều tra phá án lại vô cùng nhàm chán với những màn hỏi đáp giữa cảnh sát với các nghi phạm, mà hỏi đáp lại rất mập mờ, không tới đâu. Tình huống mang tính bước ngoặt là việc Trọng Minh nhử kẻ đào mồ bằng cách nằm trong quan tài lại sơ sài, không toát lên được sự hồi hộp, ly kỳ của một bộ phim phá án.

Ðáng nói nhất là có quá nhiều điều bất cập trong kịch bản và cách dựng phim. Chuyện Bạch Liên lén lút gặp và chăm sóc người mẹ bị bệnh phong được thể hiện bằng hiện tại xen lẫn hồi ức. Nhưng những tình huống cứ bị lộn xộn như thách đố người xem. Ðặc biệt, khi đạo diễn hé lộ tình tiết Bạch Liên cho mẹ uống thuốc có pha bột vàng - một phương thức trị bệnh phong thời đó - người mẹ phát hiện rồi hỏi con gái: "Kẻ đào mồ là con hả?", Bạch Liên im lặng ôm mẹ khóc, khiến người xem hoang mang. Từ đó về sau, không hề có thêm một chi tiết nào làm sáng tỏ có phải Bạch Liên là kẻ đào mồ hay không? Trong khi trước đó, nhà không có gạo ăn, 2 em nhỏ phải ăn khoai trừ cơm, không có tiền chữa bệnh cho mẹ, Bạch Liên vẫn từ chối tiền vàng của Lục đưa cho với lý do tiền đi cướp là tội lỗi. Sự mâu thuẫn và trước sau bất nhất của nhân vật này khiến khán giả chưng hửng hết lần này sang lần khác. Nhất là ở cuối phim, khi cô nắm tay Minh chạy trốn, giao 2 đứa em cho Lục chăm sóc khiến người xem không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao họ không đi cùng nhau mà phải tách ra? Tại sao việc giải cứu tù nhân diễn ra thuận lợi giống như 3 nhân vật Minh - Lục - Liên đã lên kế hoạch từ đầu, trong khi thực tế Liên bị bắt và không hề liên lạc được với hai người kia?

Hàng loạt sự vô lý trong cách diễn giải tình huống của phim cứ thế diễn ra và khép lại bằng một cái kết vô nghĩa. Thoại của phim cũng là một điểm trừ khi các đoạn hội thoại lưng chừng, khó hiểu và không sát với đời sống. Diễn xuất của các diễn viên không trọn vẹn. Á hậu Trương Thị May trong vai chính Bạch Liên đa phần bị đơ và gượng.

Có thể nói, "Kẻ đào mồ" là bộ phim 3 không: không chặt chẽ, không ý nghĩa và không hiểu gì. Bởi đến khi kết thúc thì khán giả vẫn hoang mang không hiểu bộ phim muốn truyền tải thông điệp gì cũng như muốn kể câu chuyện gì.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật