Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 19/8: Việt Nam nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng xanh, bền vững

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năng lượng, xúc tiến thương mại là một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong lĩnh vực Công Thương qua góc nhìn báo chí hôm nay.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 19/8: Việt Nam nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng xanh, bền vững
Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu

Về chuyển dịch năng lượng, Báo Quốc tế có bài: Việt Nam nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu. Nội dung báo nêu: Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ được chuyển dần sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An: "Để đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Những nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ được chuyển dần sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu".

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Dự thảo có định hướng chủ yếu là khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh, các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác,...

Theo Bộ Công Thương, để chuyển dịch năng lượng một cách bền vững, cần sự trợ giúp từ các quốc gia phát triển, thông qua những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Song song với đó, là công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều các bon, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Báo Quân đội nhân dân cũng có bài: tiết kiệm năng lượng - Cần những giải pháp quyết liệt hơn: Bài 1: Nghịch lý "thừa mà thiếu điện". Theo đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm là giải pháp quan trọng giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng dù đã được luật hóa nhưng vẫn chủ yếu sử dụng cơ chế khuyến khích ý thức, trách nhiệm. Đã đến lúc cần tăng cường cơ chế bắt buộc tiết kiệm năng lượng với những chế tài cụ thể.

Trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ ra nguyên nhân thiếu điện, theo ông Trịnh Quốc Vũ, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả.

Bộ Công Thương đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đang có dư địa lớn trong nhiều ngành và lĩnh vực. Theo đó, đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu quốc gia trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng, giảm khí thải, hiệu ứng nhà kính như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên quan đến Quy hoạch điện VIII, mekongasean.vn có bài: Bộ Công Thương rà soát các dự án điện, trình lại Đề án Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Đề án Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình lại tại tờ trình 4778/TTr-BCT, trong đó có 6 nội dung mới được đưa ra để xin ý kiến của Thường trực Chính phủ.

Theo đó, 6 nội dung được Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ trong Tờ trình lần này gồm: Rà soát các dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII; về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện các dự án trong quy hoạch, các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định Pháp Luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Về xúc tiến thương mại, tối 18/8, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự và chủ trì tại Hội nghị. Liên quan đến vấn đề này đã có nhiều báo đưa tin như: báo Đại biểu nhân dân có bài: Hội nghị khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022; báo Dân tộc có bài: Hội nghị khuyến công các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Nội dung các báo nêu: Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ thảo luận giải pháp phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh thành và toàn khu vực.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.

Về xuất khẩu, báo Người lao động có bài: Đẩy mạnh hỗ trợ để xuất khẩu không sụt giảm. Nội dung báo nêu: Đã có những khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu khi đơn hàng sụt giảm, chi phí vận chuyển còn cao, sức tiêu thụ kém, thiếu vốn tín dụng... Vì vậy, cần sớm hỗ trợ để xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng.

Sau nửa đầu năm 2022 xuất khẩu có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7-2022 bắt đầu có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước. Các doanh nghiệp bắt đầu tìm cách ứng phó để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.

Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm 2012, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để bảo đảm sản xuất. Bộ cũng hỗ trợ các DN ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật