Nhà đầu tư ngoại có thể rót 25 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
World Bank ước tính việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ khối ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư ngoại có thể rót 25 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam
Việc nâng hạng là cánh cửa mở rộng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank (WB) tại Việt Nam - cho biết Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM).

Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.

Tiềm năng huy động thêm 78 tỷ USD

Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. WB ước tính việc nâng hạng có thể mang tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Song, để đạt con số này, Việt Nam cần phải được nâng hạng bởi cả 2 nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI.

“Chúng tôi đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của UBCKNN là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI”, đại diện WB chia sẻ.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thứ hai, cơ quan quản lý xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD vì thị trường lúc đó chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Ở khía cạnh khách quan, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của dòng vốn nước ngoài vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.

WB cũng nhấn mạnh việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (bởi VSS) là chìa khóa.

Đa dạng hóa đầu tư của VSS vào chứng khoán doanh nghiệp không chỉ giúp quỹ đầu tư hiệu quả hơn về lâu dài mà còn mở rộng cơ sở nhà đầu tư và giúp ổn định và phát triển thị trường vốn trong nước. Một khoản phân bổ khiêm tốn vào chứng khoán doanh nghiệp của VSS có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng tỷ USD tài trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Những cải cách tổng thể trong lĩnh vực lương hưu có thể mang lại khoản đầu tư mới lên tới 25 tỷ USD vào khu vực doanh nghiệp vào năm 2030. Hơn nữa, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư, nếu được thực hiện đúng cách, có thể mang lại thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn.

Tổng cộng, WB ước tính tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường là 78 tỷ USD.

Quy mô thị trường Việt Nam vẫn ở mức khá

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB đánh giá quy mô thị trường chứng khoán chiếm khoảng 56-58% GDP các nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, chỉ số dao động 50-80%, giữ ở mức khá.

Do đó, để thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường.

Thứ hai là tăng số lượng hàng hóa cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường cũng là vấn đề cần quan tâm.

Cuối cùng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng nâng cấp các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.

Để làm được điều này, lãnh đạo MB đề xuất tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động nhằm tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, tiềm năng tham gia thị trường.

Như báo cáo của UBCKNN, năm qua, giá trị niêm yết tăng mới chỉ khoảng 56.000 tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài kế hoạch tiến tới nâng hạng thị trường, các cơ quan cũng cần tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát, đồng thời cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng tiết kiệm thời gian hơn.

Nhu cầu vốn xanh của Việt Nam lên tới 368 tỷ USD

Đối với thị trường vốn xanh, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết đến hết năm 2023, BIDV là một trong các tổ chức cấp tín dụng xanh lớn nhất thị trường với tổng dư nợ đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có dư nợ là 57.000 tỷ đồng với 1.600 dự án từ 1.300 khách hàng.

Năm 2023, BIDV đã mở ra kênh huy động vốn mới là trái phiếu xanh để gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế. Đợt phát hành có quy mô 2.500 tỷ đồng trái phiếu theo chuẩn của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA).

Các dự án xanh, phát triển bền vững vẫn gặp khó trên kênh huy động vốn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững chiếm 50-60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỷ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.

Theo ước tính của WB, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ năm 2022 đến 2040 lên tới 368 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngân hàng nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.

Lãnh đạo BIDV đề xuất cơ quan quản lý hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh, trong đó quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích và xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế để thuận tiện cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu cũng như khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật