Gần 10.000 tấn rác trôi nổi trong vũ trụ: Xử lý thế nào?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hiện có gần 10.000 tấn rác trôi nổi trong vũ trụ. Để tránh những mảnh rác thải vũ trụ rơi xuống Trái đất, đe dọa cuộc sống của con người, các chuyên gia đã đưa ra một giải pháp.
Gần 10.000 tấn rác trôi nổi trong vũ trụ: Xử lý thế nào?
Ảnh minh họa

Vào ngày 2/4, NASA thông báo đang phân tích một vật thể từ trên trời rơi xuống trúng nhà dân ở Florida, Mỹ nhiều khả năng là rác từ trạm ISS. Vật thể nghi rác vũ trụ này do Alejandro Otero, người dân sống ở thành phố Naples, bang Florida bàn giao cho NASA. Trước đó, ông Otero đăng trên mạng xã hội X về việc một vật thể đã "rơi thủng mái nhà và lao xuyên qua 2 tầng nhà", suýt đâm trúng con trai ông lúc 14h34 ngày 8/3 vừa qua. Vật thể là một ống trụ dài, nặng khoảng 0,9 kg.

Trong thời gian qua, một số mảnh rác vũ trụ đã rơi xuống Trái đất và gây ra nguy hiểm cho người dân. Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số khoảng 10.000 tấn rác trôi nổi trong vũ trụ. Con số này do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) công bố trong một báo cáo năm 2021.

Số rác vũ trụ này đến từ những mảnh vỡ của các vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa... mà con người đã phóng lên trong những năm qua. Theo báo cáo của NASA, ít nhất 26.000 mảnh rác thải vũ trụ quay quanh Trái đất có kích thước bằng một quả bóng mềm - đủ lớn để phá hủy một vệ tinh. Hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng đá cẩm thạch - có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ và hơn 100 triệu mảnh bé có thể làm thủng đồ bảo hộ trong không gian.

Số lượng rác vũ trụ ngày càng tăng lên khiến các chuyên gia lo ngại chúng có thể gây ra sự cố cho tàu vũ trụ và các vệ tinh đang hoạt động. Nếu các mảnh rác vũ trụ lớn rơi xuống Trái đất thì có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, thậm chí tồi tệ nhất là có thể xóa sổ mọi sự sống trên hành tinh xanh.

Vì vậy, giới chuyên gia đã và đang nghiên cứu các giải pháp nhằm dọn sạch rác vũ trụ. Trong số này, vào tháng 1/2024, Công ty khởi nghiệp EX-Fusion của Nhật Bản thông báo đang lên kế hoạch loại bỏ những mảnh rác vũ trụ cực nhỏ bằng chùm tia laser bắn từ mặt đất.

Theo kế hoạch, công ty EX-Fusion sẽ lắp đặt thiết bị bắn tia laser công suất cao bên trong đài thiên văn do EOS Space vận hành. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thiết lập công nghệ laser để theo dõi các mảnh vụn có kích thước dưới 10 cm - những mảnh vụn thường khó nhắm mục tiêu từ mặt đất bằng tia laser.

Trong giai đoạn thứ hai, EX-Fusion và EOS Space Systems - nhà thầu Australia sở hữu công nghệ dùng để phát hiện các mảnh vụn không gian - dự định loại bỏ các mảnh rác vụn bằng cách tăng cường sức mạnh của chùm tia laser. Các chuyên gia có kế hoạch bắn tia laser vào các mảnh vỡ từ hướng di chuyển ngược lại để làm chúng chậm lại. Khi ấy, quỹ đạo di chuyển của các mảnh vụn sẽ giảm xuống cho tới khi đi vào bầu khí quyển Trái đất và bốc cháy.

Trong khi đó, Hanspeter Schaub, giáo sư Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ tại Đại học Colorado ở Boulder, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nhằm dọn rác vũ trụ. Ông và các cộng sự nghiên cứu, chế tạo "súng bắn điện từ" có thể bắn các điện từ vào mục tiêu, cho phép người điều khiển làm chậm vật thể hoặc chuyển hướng quỹ đạo của các mảnh rác vũ trụ.

Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAEA) đưa ra đề xuất dọn rác vũ trụ bằng cách đánh lừa rác thải không gian bằng cách bắn một sợi dây điện động lực dài khoảng 700m vào vật thể từ một tàu vũ trụ rồi kéo nó xuống bầu khí quyển.

Dù nhiều giải pháp đã được đưa ra và có tính khả thi cao nhưng các chuyên gia lo ngại rất khó để áp dụng vào thực tế bởi việc dọn rác vũ trụ đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Không phải quốc gia nào cũng có tiềm lực kinh tế mạnh có thể cấp một nguồn ngân sách lớn để xử lý hàng tấn rác thải vũ trụ đang trôi nổi ngoài không gian.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật