Hướng đi chiến lược mới của Bình Nhưỡng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bình Nhưỡng đang tìm ’lối ra’ cho bế tắc trên bán đảo Triều Tiên thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với Nga. Mặc dù cả Mỹ, Hàn Quốc và Nga đều có các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2024, cục diện bán đảo sẽ ít có thay đổi và đà phát triển quan hệ Nga-Triều nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì.
Hướng đi chiến lược mới của Bình Nhưỡng
Tổng thống Nga Putin (bên phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny, Viễn Đông Nga ngày 13/9/2023. (Nguồn: KCNA)

Ngày 28/3 vừa qua, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm gia hạn ủy quyền hoạt động của một nhóm chuyên gia độc lập (PoE) có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Nghị quyết được 13 nước ủy viên của Hội đồng Bảo an (trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản) ủng hộ, 1 phiếu trắng từ Trung Quốc. Với phiếu chống của Nga – một ủy viên thường trực, nghị quyết không được thông qua, đồng nghĩa rằng PoE sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 4/2024. Diễn biến này không chỉ cho thấy quan hệ hợp tác Nga-Triều ngày càng chặt chẽ mà còn thể hiện thay đổi lớn trong chiến lược của Triều Tiên.

Đối thoại Mỹ-Triều đổ vỡ

Hiện nay, Triều Tiên đang phải đối mặt với thế lưỡng nan. Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Yoon Suk Yeol đang tích cực thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Khi Triều Tiên càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển các chương trình hạt nhân, thử tên lửa, bắn đạn pháo, phóng vệ tinh…, Mỹ và Hàn Quốc lại tiếp tục áp đặt thêm một số lệnh trừng phạt nhằm chặn các nguồn tài chính của Bình Nhưỡng, làm trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế của nước này.

Để giải bài toán hóc búa này, lựa chọn lý tưởng cho Triều Tiên là đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân với Mỹ nhằm giảm nhẹ hoặc thậm chí gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng kiên trì theo đuổi hướng đi này, thể hiện qua 27 lá thư trao đổi với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian 2018-2019. Chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đã nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra, tiến trình đàm phán đã lâm vào bế tắc cho đến hiện tại. Với việc các chính quyền kế nhiệm ở Mỹ và Hàn Quốc ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước thay vì cố gắng tạo đột phá trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, khả năng để Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phương án nói trên càng thu hẹp dần.

Hợp tác Nga-Triều “hồi sinh”

Trước tình hình đó, Triều Tiên đã đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với cả Nga và Trung Quốc. Khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19, việc hai quan chức cấp cao của Nga và Trung Quốc tham dự buổi diễu hành quân sự của Triều Tiên tại Quảng trường Kim Il-sung hồi tháng 7/2023 đã cho thấy ý định đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay chưa can dự sâu vào vấn đề Triều Tiên, chủ yếu kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nối lại đối thoại bởi Trung Quốc vẫn cần tập trung cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước và muốn tránh thúc đẩy hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn ngày một chặt chẽ hơn.

Về phía Nga, sau hai năm chiến sự tại Ukraine, cả Nga và Ukraine đều đang dần cạn kiệt đạn pháo. Trong khi Ukraine có viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, Nga không có nhiều lựa chọn từ các đối tác do bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt khác nhau. Trong khi đó, Triều Tiên đang cần có viện trợ lương thực, nhiên liệu và công nghệ quân sự tiên tiến về vệ tinh do thám, tàu ngầm hạt nhân; và Nga có khả năng và kinh nghiệm để hỗ trợ Triều Tiên trong những vấn đề này. Tháng 9/2023, hai nhà lãnh đạo Nga-Triều đã có cuộc gặp Thượng đỉnh tại Nga, một dấu hiệu cho thấy sự “hồi sinh” trong hợp tác giữa hai nước kể từ sau chiến tranh Lạnh. Mặc dù cả Nga và Triều Tiên đều không tiết lộ các thỏa thuận hai bên đạt được tại Thượng đỉnh hồi tháng 9/2023, động thái phủ quyết việc gia hạn hoạt động của PoE tại Hội đồng Bảo an đã cho thấy chia rẽ giữa các nước ủy viên về vấn đề Triều Tiên, cũng như thể hiện phối hợp ngày càng khăng khít của quan hệ Nga-Triều.

Tiếp tục gắn kết

Hồi tháng 3/2024, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga Sergei Naryshkin đã đến thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về hợp tác chống gián điệp. Trong thời gian tới, mặc dù chưa ấn định thời điểm cụ thể, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ thăm Triều Tiên trong năm 2024 với nhiều thỏa thuận hợp tác “rất tốt” giữa hai bên được ký kết. Nếu diễn ra như kế hoạch, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Triều Tiên sau gần 23 năm qua.

Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Triều Tiên hiểu rằng việc đàm phán với Mỹ nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt không còn là lựa chọn khả thi. Do đó, hiện tại Nga vẫn đang là “tia hy vọng” của Bình Nhưỡng nhằm tìm ra hướng đi chiến lược mới ở bán đảo Triều Tiên. “Mùa xuân” trong quan hệ Nga-Triều có thể tiếp tục tiến triển cho đến khi có những đột phá mới trong tình hình chiến sự ở Ukraine và cục diện bán đảo Triều Tiên.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa mới ngày 10/4 với tỷ lệ bỏ phiếu sớm ngày 5-6/4 đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử (31,28%). Sáng sớm ngày 11/4, kết quả kiểm gần hết số phiếu cho thấy đảng đối lập chính DPK đã giành được 161/254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp, và được dự đoán sẽ giành được 176/300 ghế tại Quốc hội cùng với các đảng vệ tinh khác. Với kết quả này, DPK sẽ tiếp tục kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội Hàn Quốc như khóa trước. Như vậy, giống như 2 năm qua, các nỗ lực triển khai chính sách đối nội của Tổng thống Yoon sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, về cơ bản, ảnh hưởng của Quốc hội Hàn Quốc đối với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đương nhiệm là tương đối thấp nên chiều hướng chính sách của ông Yoon nhiều khả năng vẫn được duy trì đến hết nhiệm kỳ Tổng thống là tháng 5/2027.

Về phía Mỹ, mặc dù bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024 nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cầm quyền đến tháng 1/2025. Còn về phía Nga, Tổng thống Putin cũng đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử 15-17/3 vừa qua và sẽ tiếp tục nắm quyền đến năm 2030. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng đánh giá triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong năm 2024 vẫn còn mờ nhạt, dự kiến chiến sự tiếp tục kéo dài. Xét các nhân tố này, có thể dự báo hợp tác Nga-Triều nhiều khả năng tiếp tục phát triển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật