Đô cử từng dính doping giành vé Olympic

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã thi đấu xuất sắc ở World Cup cử tạ 2024, qua đó giành suất tham dự Olympic Paris 2024.
Đô cử từng dính doping giành vé Olympic
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh ăn mừng chiến thắng tại SEA Games 29 năm 2017. Ảnh: ITN

Thành tích này coi như kỳ tích của đô cử từng bị cấm thi đấu 4 năm khi đang ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp.

Quả ngọt sau 4 năm gian khổ

World Cup cử tạ 2024 là vòng loại Olympic Paris 2024 cuối cùng, diễn ra đầu tháng 4 này ở Thái Lan. Đội tuyển cử tạ Việt Nam tranh tài với lực lượng tốt nhất. Lại Gia Thành (hạng 55kg nam) giành Huy chương Vàng cử giật, Huy chương Đồng cử đẩy và Huy chương Đồng tổng cử.

Khổng Mỹ Phượng (hạng 45kg nữ) mang về Huy chương Bạc cử đẩy, Huy chương Đồng cử giật và Huy chương Đồng tổng cử. Đáng tiếc, cả 2 hạng cân này đều không có trong nội dung thi đấu môn cử tạ Thế vận hội mùa Hè năm nay.

Trước Văn Vinh, thể thao Việt Nam có 5 suất Olympic tại Pháp, gồm Nguyễn Thị Thật nội dung đua xe đạp đường trường nữ; Trịnh Thu Vinh nội dung 10m súng ngắn hơi nữ; Lê Thị Mộng Tuyền nội dung 10m súng trường hơi nữ, Nguyễn Huy Hoàng nội dung 800m tự do nam và Võ Thị Kim Ánh hạng 54kg nữ boxing. Ngoài ra, Huy Hoàng cũng đạt chuẩn B 1.500m tự do nam để nằm trong danh sách dự bị Olympic.

Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 12 - 15 suất tham dự Olympic 2024.

Theo quy định của Liên đoàn Cử tạ thế giới, suất dự Olympic Paris 2024 sẽ được trao cho 10 đô cử hàng đầu ở mỗi hạng cân trong chương trình thi đấu. Thành tích để xếp hạng căn cứ vào kết quả thi đấu vòng loại Olympic.

Tại Thái Lan, nữ đô cử gánh trọng trách Olympic – Phạm Thị Hồng Thanh đã thất bại. Hồng Thanh đạt tổng cử là 231kg (cử giật tốt nhất là 105kg và cử đẩy đạt mức 126kg), thành tích không đủ giúp cô lọt vào top 10.

Trên bảng xếp hạng mới nhất của cử tạ thế giới, các gương mặt nữ Việt Nam chính thức hết cơ hội, Phạm Đình Thi đứng 15 hạng cân 49kg và Quàng Thị Tâm đứng thứ 18 hạng cân 59kg.

Tuy nhiên, sức ép đoạt vé Olympic 2024 của cử tạ Việt Nam đã được giải tỏa với phong độ xuất sắc của Trịnh Văn Vinh, hạng 61kg. Trước World Cup cử tạ 2024, Vinh xếp hạng 10 với thành tích 292kg, đạt được ở giải vô địch thế giới 2023. Ở chung kết nhóm B tại Thái Lan, anh xếp nhất với thành tích 131kg cử giật, 163kg cử đẩy và tổng cử là 294kg.

Thành tích này giúp đô cử Việt Nam chắc chắn xếp trong top 10 thế giới và giành suất tham dự Olympic Paris 2024. Một vận động viên khác của Việt Nam ở nhóm này - Nguyễn Trần Anh Tuấn đã thi đấu không thành công. Anh Tuấn dẫn đầu phần cử giật với 132kg, nhưng không may gặp chấn thương nên thất bại ở ba lần cử đẩy.

Trịnh Văn Vinh sinh năm 1995, tại Bắc Ninh, được gọi vào đội tuyển quốc gia lúc 20 tuổi và mang trên vai sự kỳ vọng nối tiếp thành công của những đàn anh ở hạng 61kg như Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn.

Vinh đã khởi đầu ấn tượng và liên tiếp gặt hái thành công với những thành tích có thể coi là “sốc”. Anh giành Huy chương Vàng cử đẩy, Huy chương Bạc tổng cử giải vô địch châu Á 2016. Sau đó, đô cử này giành Huy chương Vàng cử giật giải vô địch thế giới 2017, với thành tích 136kg.

Và cũng trong năm 2017, Vinh bất ngờ giành Huy chương Vàng SEA Games với tổng cử 307kg, lập kỷ lục đại hội, nhiều hơn 1kg so với Eko Yuli Irawan (Indonesia), đô cử lúc đó đang là đương kim Á quân Olympic.

Đến ASIAD 2018, Vinh không thể tạo ra bất ngờ trước “tượng đài” Eko Yuli Irawan, song thành tích Huy chương Bạc của anh vẫn tạo nên lịch sử khi giúp cử tạ Việt Nam lần đầu có huy chương ở hạng cân này.

Thế nhưng, đúng vào thời điểm đỉnh cao phong độ và được đầu tư trọng điểm hướng đến mục tiêu huy chương Olympic 2020, đô cử người Bắc Ninh như rơi xuống vực sâu khi anh có kết quả xét nghiệm dương tính với doping (chất cấm).

Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên được Liên đoàn Cử tạ thế giới tiến hành vào tháng 11/2018, thời điểm anh đang tập luyện. Đến tháng 2/2019, đô cử Việt Nam chính thức bị cấm thi đấu 4 năm và bị phạt 5.000 USD.

Tài năng của cử tạ Việt Nam đã tính đến khả năng giải nghệ, tìm công việc khác. Án 4 năm kéo theo rất nhiều nguy cơ, từ vấn đề duy trì chuyên môn đến tâm lý, cũng như có thể bỏ lỡ những cơ hội tốt ở ngã rẽ khác của cuộc sống. Tuy nhiên, tình yêu nghề và ý chí không buông bỏ đã giúp Vinh kiên trì sống cùng cử tạ.

Anh không đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà coi đây là bài học đắt giá của mình cần được sửa sai. Đô cử sinh năm 1995 cứ thế đi tiếp theo con đường đã chọn, cho dù 4 năm “tập chay” là thử thách vô cùng khắc nghiệt với một vận động viên thi đấu đỉnh cao. Và như anh chia sẻ, động lực dự Olympic đã thôi thúc đô cử này tiếp tục tiến lên.

Sau án phạt, Trịnh Văn Vinh trở lại vào tháng 2/2023, bước vào tuổi 28. Khó khăn và thử thách trên sàn đấu như nhân đôi. Tại giải vô địch châu Á vào tháng 5/2023 tại Hàn Quốc, đô cử người Bắc Ninh thất bại ở cả ba lần cử giật 128kg và đứng thứ 7 cử đẩy với mức 163kg.

Đến tháng 9/2023, Vinh lần lượt dự giải vô địch thế giới ở Ả-rập Xê-út và ASIAD 19 ở Trung Quốc, đạt cùng tổng cử 292kg, nằm ngoài vòng tranh chấp huy chương.

Phải đến tháng 2 năm nay, “hàng hiếm” của cử tạ Việt Nam mới để lại dấu ấn, giành 2 Huy chương Đồng (cử đẩy 161kg, và tổng cử 290kg) tại giải vô địch châu Á ở Uzbekistan. Thành tích này chính là bước đệm để anh sau đó đánh dấu sự trở lại ấn tượng với suất tham dự Olympic 2024.

Lực sĩ cử tạ Triều Tiên Pak Myongjin giành Huy chương Bạc hạng 61kg nam ASIAD 19. Ảnh: ITN.

Mở ra cơ hội huy chương

Thành tích của Trịnh Văn Vinh giúp cử tạ khẳng định vị thế môn thể thao trọng điểm của Việt Nam, với 6 lần liên tiếp giành vé chính thức dự Thế vận hội, từ Olympic Athens 2004. Tại giải đấu diễn ra ở Hy Lạp, Nguyễn Thị Thiết hạng 63kg nữ là đại diện duy nhất của cử tạ Việt Nam.

Đến Olympic Bắc Kinh 2008, Nguyễn Thị Thiết tiếp tục tham dự, còn Hoàng Anh Tuấn giành Huy chương Bạc hạng 56kg nam. Cử tạ Việt Nam tiếp tục tỏa sáng ở London 2012, với Trần Lê Quốc Toàn giành Huy chương Đồng 56kg nam và Nguyễn Thị Thúy dự hạng 53kg nữ.

Olympic Rio 2016 thiết lập kỷ lục khi cử tạ Việt Nam có 4 đại diện, gồm: Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (56kg nam); Hoàng Tấn Tài (85kg nam); Vương Thị Huyền (48kg nữ). Ở kỳ thế vận hội trước tại Nhật Bản, hai suất tham dự thuộc về Thạch Kim Tuấn (61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (59kg nữ).

Ở Thế vận hội 2024, bên cạnh chỉ tiêu về số lượng vận động viên, thể thao Việt Nam còn đứng trước bài toán khó, làm gì để có huy chương. Một lần nữa, trọng trách và cả sự kỳ vọng của cả một nền thể thao sẽ được đặt vào cử tạ, cụ thể là đô cử 29 tuổi Trịnh Văn Vinh và phần nào hy vọng san sẻ đến đội tuyển bắn súng.

Với cử tạ, kết quả mới nhất của Vinh mới đạt tổng cử 294kg, kém rất xa kỷ lục 307kg mà anh thiết lập tại SEA Games năm 2017. Và theo tính toán, để lọt vào nhóm có huy chương Olympic hạng 61kg nam, lực sĩ phải đạt từ 300kg tổng cử trở lên.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng - phụ trách bộ môn cử tạ (Cục TDTT), từ nay tới khi Olympic Paris 2024 diễn ra, cử tạ Việt Nam dốc toàn lực chuẩn bị. “Đoạt vé dự Olympic đã khó, tranh chấp huy chương hạng 61kg nam càng khó hơn do lúc này nhiều người mạnh tham gia hạng cân trên sau khi Ủy ban Olympic quốc tế giới hạn số nội dung đưa vào thi đấu chính thức của môn cử tạ tại Olympic 2024.

Tuy nhiên, trọng lượng tạ của Vinh đang tốt dần và trong thi đấu, quan trọng nhất là đấu pháp. Chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư trọng tâm tiếp theo để cậu ấy đạt được thành tích tốt hơn”, ông Hùng cho biết.

Ở Olympic 2024, Trịnh Văn Vinh sẽ đụng độ với nhiều đối thủ sừng sỏ. Trong đó, Li Fabin (Trung Quốc) là gương mặt khá quen thuộc với cử tạ Việt Nam. Tại ASIAD 19, đô cử người Trung Quốc đạt cử giật 143kg và cử đẩy 167kg qua đó có tổng cử 310kg giành Huy chương Vàng.

Trịnh Văn Vinh ăn mừng thành tích tham dự Olympic 2024. Ảnh: ITN

Trịnh Văn Vinh đạt tổng cử là 292kg đứng hạng 6 và Nguyễn Trần Anh Tuấn có tổng cử 294kg đứng vị trí hạng 5. Li Fabin còn đoạt Huy chương Vàng Olympic 2020 với thành tích ấn tượng hơn, tổng cử 313kg (cử giật 141kg và cử đẩy 172kg), cũng như giành vô địch thế giới hạng 61kg nam các năm 2019, 2022, 2023, với mức tổng cử cao nhất là 314kg.

Bên cạnh đó, Pak Myongjin (CHDCND Triều Tiên) cũng là ứng viên sáng giá tranh chấp vị trí số 1 hạng 61kg. Tại giải cử tạ vô địch châu Á 2024, diễn ra vào tháng 2 tại Uzbekistan, Pak Myongjin đã giành Huy chương Vàng với tổng cử 306kg (134kg cử giật và 172kg cử đẩy).

Trịnh Văn Vinh đứng hạng Ba với tổng cử 290kg, kém đối thủ… 16kg. Trước đó, đô cử người Triều Tiên đã thua Li Fabin ở ASIAD 19, đạt tổng cử 307kg. Ngoài ra, sự trỗi dậy của Morris Hampton đến từ Mỹ khiến cuộc đua cho huy chương hạng cân này càng quyết liệt. Lực sĩ người Mỹ này giành Huy chương Bạc World Cup cử tạ 2024 với mức tổng cử 303kg.

Trong top 10 hạng 61kg, còn nhiều đối thủ chạm ngưỡng tổng cử 300kg như Ceniza John Febuar (Philippines, 300kg), Silachai Theerapong (Thái Lan, 299kg). Ngay cả gương mặt kỳ cựu Eko Yuli Irawan của Indonesia cũng duy trì phong độ khá ổn định, đạt 300kg tại giải vô địch thế giới 2022, tổng cử 303kg để giành Huy chương Vàng SEA Games 32.

Năm ngoái, Eko Yuli Irawan được đẩy lên hạng 67kg, tham dự World Grand Prix I và giành Huy chương Vàng với tổng cử 321kg. Thế nên, dù dã 35 tuổi, song với đẳng cấp và kinh nghiệm dày dạn, Eko Yuli Irawan vẫn là đối thủ đáng gờm ở cuộc đua huy chương tại Pháp.

Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tập mới cho Trịnh Văn Vinh. Nhiều khả năng, anh sẽ được tập huấn nước ngoài dài ngày trước khi đến Paris thi đấu. Tuy nhiên, việc nâng thành tích từ 294kg ở World Cup lên 300kg, mức tối thiểu cạnh tranh huy chương đòi hỏi đô cử sinh năm 1995 rất nhiều nỗ lực và cả may mắn.

Phía trước Trịnh Văn Vinh là 3 tháng để anh có thể viết tiếp câu chuyện thần kỳ tại Paris nước Pháp. “Tôi đã vượt qua hành trình khó khăn và muốn tiếp tục ghi dấu ấn cho thể thao nước nhà”, Vinh chia sẻ.

’Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn mọi người đã tin tưởng, giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp. Nhưng phải thấy rằng, kết quả thi đấu mới chỉ đủ để tôi vượt qua vòng loại và tham dự Olympic Paris 2024. Tôi vẫn còn phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để cải thiện thành tích của mình. Hạng 61kg hội tụ nhiều đối thủ rất mạnh, nhiều kinh nghiệm. Vậy nên, tôi sẽ phải tuân thủ nghiêm túc chương trình huấn luyện’ - Lực sĩ Trịnh Văn Vinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật