Tha thứ và làm bạn với kẻ chặt đứt tay mình

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một phụ nữ ở Rwanda trở nên thân thiết với người từng giết đứa con gái 9 tháng tuổi đồng thời chặt đứt một cánh tay của bà cách đây 20 năm.
Tha thứ và làm bạn với kẻ chặt đứt tay mình
Tay phải của bà Mukarurinda bị Ndayisaba ché‌m đứ‌t 20 năm trước.

Alice Mukarurinda bị mất cánh tay phải và cô con gái nhỏ trong một cuộc thảm sát đẫm máu. Kẻ xuống tay với hai mẹ con Mukarurinda năm đó là Emmanuel Ndayisaba, một người bạn hiện tại của bà. Mukarurinda là thủ quỹ còn Ndayisaba là phó chủ tịch một tổ chức chuyên xây nhà cho các nạn nhân diệt chủng. Họ sống gần nhau, gặp nhau hàng ngày và cùng nhau làm việc.

Câu chuyện bắt đầu 20 năm trước tại Rwandan, quốc gia đông dân nhất ở châu Phi. Hutu và Tustsi, hai tộc người cùng sinh sống trên đất Rwandan, vốn có mối xung đột sắc tộc nghiêm trọng. Tình hình trở nên tồi tệ khi chiếc máy bay chở Tổng thống Rwanda, vốn là người Hutu, bị bắn hạ vào ngày 6/4/1994. Sau sự kiện này, người Hutu bắt đầu mở cuộc truy sát người Tutsi.

Người Tutsi kéo nhau bỏ trốn để giữ mạng sống. Nhiều người chạy tới ngôi làng nơi bà Mukarurinda, một phụ nữ thuộc tộc Tustsi, sinh sống. Mukarurinda, lúc đó 25 tuổi, nương náu ở một nhà thờ cùng gia đình và hàng trăm người khác. Những kẻ tấn công ném bom rồi đốt nhà thờ. Bất cứ ai thoát được ngọn lửa cũng bị kết liễu bằng dao phay khi chạy ra ngoài. 26 người thân của Mukarurinda bị giết chết cùng gần 5.000 người khác tại thời điểm đó.

Mukarurinda bế đứa con gái 9 tháng tuổi, dắt theo cô cháu gái 9 tuổi, vội vàng chạy sâu vào rừng ẩn nấp. Bà trốn ở một cái đầm lầy giữa cây cối rậm rạp. "Xác người la liệt khắp nơi", AP dẫn lời người phụ nữ kể. "Người Hutu cứ sáng thức dậy lại đi lùng giết người Tutsi".

Emmanuel Ndayisaba, lúc ấy 23 tuổi, bị ép buộc tham gia quân đội Hutu. Ndayisaba vốn là ca sĩ trong dàn đồng ca nhà thờ và chưa từng giết ai. Tuy vậy, ông phải học cách dùng dao phay và chém chết 14 người trong lần đầu tiên làm nhiệm vụ. "Khi giết gia đình đầu tiên, tôi cảm thấy rất kinh khủng nhưng dần rồi quen", Ndayisaba hồi tưởng. "Họ bảo người Tutsi là quỷ dữ và tôi tự nhủ rằng mình đang tiêu diệt kẻ thù".

Ngày 29/4/1994, Ndayisaba tham gia đội quân lùng sục những người Tutsi trốn trong rừng. Về phần Mukarurinda, bà ngâm mình dưới đầm lầy, chỉ ngoi mặt lên để thở, nhưng không qua mắt được những kẻ tìm kiếm. Chúng bao vây đầm lầy, giết chết hai đứa trẻ rồi lao tới tấn công Mukarurinda. Theo phản xạ, bà đưa tay lên đỡ.

Lúc này, Ndayisaba nhận ra người phụ nữ là bạn học cùng trường nhưng không nhớ tên. Ông chỉ chém vào cổ tay Mukarurinda, còn đồng bọn dùng giáo đâm vào người bà. Tưởng Mukarurinda đã chết, họ bỏ đi. Mukarurinda sống sót dù bị mất cánh tay, chảy nhiều nháu và chịu nhiều vết thương khác. Bà được những người Tutsi trốn thoát tìm thấy ba ngày sau đó.

Riêng Ndayisaba, lương tâm ông cắn rứt sau cuộc thảm sát. Đến năm 1996, Ndayisaba đầu thú. Người đàn ông ra tù năm 2003 và đi tìm gia đình các nạn nhân để xin tha thứ. Ông gặp lại bà Mukarurinda khi tham gia một tổ chức tên là Ukurrkuganze.

Lúc đầu, Ndayisaba tránh mặt người mình suýt giết chết. Cuối cùng, ông quỳ xuống xin lỗi Mukarurinda. Sau hai tuần suy nghĩ, người phụ nữ chấp nhận tha thứ cho kẻ từng muốn sát hại mình. "Chúng tôi cùng tham gia nhiều hoạt động với nhau, và trái tim tôi cảm thấy thanh thản khi bỏ qua mọi chuyện", Mukarurinda chia sẻ. "Nếu bạn tha thứ cho người khác, bản thân bạn sẽ được cứu rỗi".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật