HLV Đỗ Văn Hiệu và giấc mơ chinh phục đỉnh cao

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đỗ Văn Hiệu là Huấn luyện viên môn đua thuyền Canoeing thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Quảng Ninh. 7 năm liên tiếp (từ 2014 – 2020), anh đều được bầu chọn là HLV tiêu biểu Vùng mỏ, trong đó có 4 năm đứng ở vị trí thứ nhất. Anh cũng đã được tôn vinh là một trong các gương mặt tài năng trẻ của Quảng Ninh năm 2014.
HLV Đỗ Văn Hiệu và giấc mơ chinh phục đỉnh cao
HLV Đỗ Văn Hiệu (thứ hai, phải sang) được bình chọn là HLV tiêu biểu Vùng mỏ 2020 với số phiếu cao nhất.

Sinh năm 1982, quê huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, HLV Đỗ Văn Hiệu gắn bó và có nhiều đóng góp lớn cho thể thao Quảng Ninh. Anh tốt nghiệp khoa Bơi - Lặn, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh năm 2004, sau đó làm giáo viên dạy thể dục tại Trường THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long) trước khi chính thức nhận nhiệm vụ huấn luyện môn đua thuyền Canoeing từ tháng 1/2007.

Nhớ lại mối duyên đến với đua thuyền, anh kể: Năm 2006, đội tuyển đua thuyền Kayak nữ của Quảng Ninh đang thiếu HLV có chuyên môn để quản lý và huấn luyện. Là người đam mê môn thể thao dưới nước nên mình đã mạnh dạn thử sức ở vị trí này. Sau đó mình được cử đi học các lớp huấn luyện nâng cao về đua thuyền, trong đó có lớp HLV đua thuyền của IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) mở tại Mỹ Đình (Hà Nội) và chính thức bước vào sự nghiệp huấn luyện viên từ đó.

Người thầy có duyên với những giải thưởng

Tháng 10/2007, lần đầu tiên đội đua thuyền Quảng Ninh thi đấu tại Giải đua thuyền trẻ toàn quốc và giành được 1 HCĐ. Đến năm 2009, tham gia giải Canoeing trẻ toàn quốc đạt 7 huy chương (trong đó có 3 HCV), tại giải vô địch quốc gia đạt 3 huy chương và lần đầu tiên có 2 VĐV được gọi tập trung đội tuyển Canoeing trẻ quốc gia.

Tự nhận mình là người có duyên với những giải thưởng, HLV Đỗ Văn Hiệu cùng đội tuyển Đua thuyền Canoeing liên tục gặt hái những thành tích ấn tượng ở các giải đấu trong nước và quốc tế qua các năm, đưa đua thuyền trở thành môn thể thao mũi nhọn của Quảng Ninh. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, các VĐV đua thuyền đã giành được 202 huy chương, trong đó có 67 HCV, 64 HCB và 71 HCĐ tại các giải: Vô địch trẻ Đông Nam Á, Đại hội TDTT toàn quốc, Vô địch quốc gia, vô địch trẻ, vô địch các câu lạc bộ, giải đua thuyền Cup canoeing…

Một số huy chương mà HLV Đỗ Văn Hiệu và học trò đã giành được trong sự nghiệp thi đấu.

Các lứa VĐV như Vũ Thị Linh, Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung, Nguyễn Thị Đào… dưới sự huấn luyện của thầy Hiệu đã trở thành lực lượng nòng cốt của Đội tuyển đua thuyền quốc gia, những “cô gái vàng” của thể thao Vùng mỏ.

Trong đội hình đội tuyển quốc gia, tuyển trẻ, tuyển sinh viên… thầy trò HLV Đỗ Văn Hiệu còn tham gia các giải đấu quốc tế như Giải đua thuyền trẻ Đông Nam Á 2011 tại Indonesia, SEA Games 28 (năm 2015), Đại hội thể thao châu Á- ASIAD 17- 2014 tại Incheon (Hàn Quốc), Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2016 tại Singapore, Giải vô địch trẻ Đông Nam Á 2019 tại Thái Lan…

HLV Đỗ Văn Hiệu cùng 2 học trò Vũ Thị Linh và Đinh Thị Trang giành HCV tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á 2016 tổ chức ở Singapore.

Phía sau những tấm huy chương

Môn đua thuyền Canoeing là một bộ môn luyện tập rất vất vả trong điều kiện sông nước ngoài trời. Mùa đông phải tiếp xúc với nước lạnh buốt. Mùa hè lại phơi nắng đến cháy rát để tập luyện. Vận động viên vất vả bao nhiêu thì huấn luyện viên còn chịu áp lực và vất vả hơn thế.

Anh Hiệu kể: Gần 10 năm gắn bó với đua thuyền, dồn tâm sức cho đội tuyển, có khi cả năm có 12 tháng thì đến 10 tháng mình xa nhà để đi tập huấn, huấn luyện, dự các giải đấu. Cường độ làm việc trước các giải quốc gia, quốc tế rất căng thẳng, giáo án nặng, nhiều lúc học trò của mình tập luyện vô cùng vất vả mà chưa đạt được yêu cầu như ban huấn luyện đề ra. Áp lực lắm chứ. Nhưng là một huấn luyện viên mình phải truyền được cho các em sự tự tin, khát vọng và quyết tâm chiến thắng.

Và nhờ có người thầy luôn sát cánh bên cạnh, động viên, thúc giục mà các nữ vận động viên có phần bẽn lẽn, hiền lành ngoài đời thường đã tôi luyện cho mình khí chất của một chiến binh khi trên đường đua, quyết đấu đầy bản lĩnh, bền bỉ và sung sức đến bất ngờ.

Đội đua thuyền Canoeing Quảng Ninh luyện tập tại khu vực sông Giá - Trung tâm đua thuyền Hải Phòng.

Nói về người thầy của mình, VĐV Đinh Thị Trang xúc động chia sẻ: Thầy luôn rất nghiêm khắc với chúng em chỉ với mong muốn chúng em tiến bộ từng ngày. Khi ở vạch xuất phát trong mỗi trận đấu, em luôn nghĩ về thầy, về sự kỳ vọng và tin tưởng mà thầy dành cho cả đội. Chúng em tập trung hết sức lực để thi đấu cũng chỉ với mong muốn không phụ công của thầy và sự mong mỏi của mọi người.

Còn Vũ Thị Linh – lứa vận động viên đầu tiên của đua thuyền Quảng Ninh và cũng là học trò xuất sắc của thầy Hiệu sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao giờ đã trở thành huấn luyện viên phó của đội tuyển đua thuyền Quảng Ninh, sát cánh cùng người thầy của mình để đưa đội tuyển đua thuyền gặt hái thêm nhiều thành tích mới. Linh tâm sự: Những gì em học được ở thầy đã giúp em rất nhiều trong công tác huấn luyện hiện tại để có thể khởi thắp và truyền lửa nhiệt huyết cho học trò của mình.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, đua thuyền Quảng Ninh đã giành 8 huy chương (4 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ).

Giấc mơ chinh phục những đỉnh cao mới

Ngoài công việc chuyên môn là huấn luyện viên trưởng môn đua thuyền canoeing, anh Đỗ Văn Hiệu còn đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc phụ trách Phòng Nghiệp vụ Huấn luyện 2 - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Quảng Ninh và là một trong những lãnh đạo trẻ nhất trung tâm. Tuy công việc quản lý bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành tâm huyết rất lớn cho đội tuyển đua thuyền.

Hiện nay, đội đua thuyền canoeing Quảng Ninh có 31 vận động viên, trong đó có 3 VĐV đội tuyển quốc gia, 2 VĐV đội tuyển trẻ quốc gia. Những ngày này, HLV Đỗ Văn Hiệu và học trò của mình đang ra sức tập luyện cho SEA Games 31 sắp diễn ra tại Việt Nam vào tháng 12 tới và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2022 với mục tiêu giành thành tích cao nhất. Khu vực sông Giá (Thủy Nguyên - Hải Phòng) nơi đội tuyển đang luyện tập được coi là “đại bản doanh” của đua thuyền Việt Nam, tập trung tất cả các đội đua thuyền trên cả nước.

Tin tưởng và đặt kỳ vọng cao ở học trò, để các em tự bứt phá ra khỏi giới hạn của bản thân và chinh phục được những đỉnh cao đáng tự hào, HLV Đỗ Văn Hiệu không những dạy cho các em về chuyên môn mà còn hiểu cá tính của từng vận động viên, hoàn cảnh gia đình của mỗi em, thậm chí là cả tâm sin‌ּh l‌ּý của lứa tuổi “dở dở ương ương”, khuyến khích các em phát huy hết tố chất của mình.

Anh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển chọn VĐV trẻ, về tận vùng sâu vùng xa của các địa phương như Quảng Yên, Đầm Hà, Vân Đồn, Đông Triều… thậm chí sang cả các tỉnh bạn như Bắc Giang, Thanh Hóa để tuyển các học sinh có năng khiếu về tập luyện bổ sung cho đội đua thuyền trẻ.

HLV Đỗ Văn Hiệu tập các động tác trên cạn và thăng bằng dưới nước cho VĐV mới vào nghề.

Nhìn cách anh tận tâm chỉ dạy cho các học trò từng động tác bổ trợ trên cạn đến tư thế thăng bằng trên thuyền để thực hiện bài tập chuyên môn, có cảm giác thầy Hiệu gần gũi như một người cha vừa nghiêm khắc vừa ân cần trong một đại gia đình luôn yêu thương và đoàn kết.

Chính các em đang cùng HLV Đỗ Văn Hiệu hiện thực hóa một giấc mơ thật đẹp cho đua thuyền Quảng Ninh: Cháy hết mình với sự nghiệp thi đấu đỉnh cao để không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ và tiếp bước thầy để đào tạo nên nhiều thế hệ VĐV xuất sắc cho đua thuyền Quảng Ninh. Con đường chông gai ấy có thể phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và những hi sinh tuổi trẻ nhưng chắc chắn sẽ lấp lánh vẻ đẹp không chỉ của những tấm huy chương danh giá mà còn bởi vẻ đẹp của sự cống hiến quên mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật