Người của đất

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một bữa đổi gió, ba lôi từ hộc tủ ra một bọc đất sét, lấy cái thau đổ chút nước rồi ngồi nghịch đất với đôi mắt sáng lung linh. Đứa con không biết tại sao nhà mình lại có bọc đất sét đó. Hỏi mẹ thì mẹ cười: “Hồi còn khỏe, ổng về quê móc cục đất sét ở bên hông nhà mang lên đây. Mỗi lúc nhớ đất quá, lôi ra hít hà cho đỡ nhớ”.
Người của đất
Ảnh minh họa

Đó là hồi mà ba đang đứng sát ngạch cửa của nỗi nhớ và quên. Những chuyến về quê của ba nhiều hơn nhưng đứa con chỉ nghĩ rằng ba tới tuổi hưu rồi, ngoài giữ nhà, giữ cháu thì lâu lâu về quê một hai hôm có sao đâu. Nhưng đứa con đâu biết, ba về rồi lại trở lên phố ngay, mà lòng ông thì cứ hoài nặng trĩu như mắc nợ phù sa.

Hồi còn khỏe mạnh, ba hay kể về xứ sở phù sa và tổ tiên là những cư dân đầu tiên đi mở cõi phương Nam. Các cụ đã khai hoang, lập làng, đào kinh dẫn nước; mở mang nên một miền châu thổ phì nhiêu. Ba tự hào khoe với mấy ông bạn già trên phố rằng mình là dân gốc xứ Xẻo Bần, cái xóm nhỏ năm xưa không có một viên đạn, chỉ cần mấy tổ ong rừng mà đánh tan một tiểu đoàn giặc. Hay chuyện rằng “Ở quê tui, có trái giác nấu canh chua lươn thì ngon bà lạy!”. Những món ăn dân dã của ba làm mấy ông bạn gốc thành phố ao ước: “Phải chi tui cũng có một miền quê như ông”.

Đứa con thì không quan tâm nhiều đến gốc tích và những món ăn kia. Phố phường huyên náo đã lấp đi ký ức của đứa trẻ sáu tuổi năm nào. Khói nhà máy từ lâu đã thay khói đồng thơm, tiếng còi xe đã thay tiếng dế. Nguyên quán Xẻo Bần ghi trong giấy tờ với đứa con chỉ là ký ức chập chờn, rằng một bữa sau cơn bão dữ, xóm làng tan tác, nhà cửa bị cuốn tan hoang. Ba mẹ bò ra từ đống đổ nát quờ tìm đứa con trong đêm tiếng gió gào trộn lẫn tiếng khóc thê lương. Nương theo tiếng khóc của đứa con thì ba mẹ tìm được nó mắc kẹt ở một nhánh cây. Vừa khóc, ba mẹ vừa bồng đứa con chạy. Thấy gió thì tìm chỗ trú, bớt chút thì lại đi. Tờ mờ sáng thì tới bến đò, trong nỗi hoang mang, ba mẹ bấm bụng bán đôi nhẫn cưới rồi lên đò rời quê đi thật xa.

Chuyến ra đi, rời mảnh đất Xẻo Bần bốn đời chôn giữ dây rốn lá nhau, ban đầu vì nỗi ám ảnh tột cùng về cơn bão dữ. Vì xóm làng tan tác và cũng vì những người thân không còn nữa. Nhưng dần dà sau, nỗi nhớ quê hương át đi nỗi sợ. Nỗi nhớ như cây bần cây đước bị đổ ngã, bão lặng rồi thì bám đất đâm rễ vươn lên, làm ông muốn quay về. Lúc ấy cũng là lúc đứa con vừa vào lớp một, cũng đã hòa vào hơi thở phố phường. Ba mẹ không nở bứng đứa con về Xẻo Bần xa xôi, nơi đường đến trường lụy mấy chuyến đò. “Mình khổ cực cách mấy cũng được, nhưng ráng để con có cuộc sống đủ đầy hơn. Rồi khi nó ổn định cuộc đời, yên bề gia thất thì mình về lại Xẻo Bần”, lời tâm sự cũng là lời thề nguyện của ba mẹ dúi vào lòng nhau, thật sâu vào mơ ước cuối đời.

Ba tin rằng, thành phố không tuyệt đường ai bao giờ, mình mến nó thì ắt nó sẽ mến mình. Mẹ từ thúng xôi vò đến xe chè xôi mỗi ngày chạy bán quanh phố. Ba làm bốc xếp, phụ hồ rồi học hỏi lên được thợ xây. Phải ép lòng bỏ đi cái tính hào sảng của người châu thổ phù sa, phải cân đo đong điếm từng đồng mới đủ xoay xở cho tiền nhà, tiền ăn học của con. Ba hay nói, trời không phụ lòng người. Đến bây giờ, điều đó với ông có lẽ là đúng nhất! Bởi những giọt mồ hôi, những ngày dậy sớm thức khuya cũng đến lúc đáp đền. Một căn chung cư nho nhỏ ba mẹ mua được sau hai mươi năm ở trọ dụm dành. Đứa con vào đại học khi tiệm xôi của mẹ định danh, khách đến lúc nào cũng đông nườm nượp. Những nỗi lo toan bắt đầu nhẹ đi, cũng là lúc ba biết mình đã yếu, không còn leo trèo giàn giáo để xây nhà được nữa. Ba ở nhà phụ mẹ, lâu lâu nhớ Xẻo Bần thì về thăm, nhưng chỉ được đôi ba hôm, vì bỏ tiệm xôi vài bữa, mối mang sẽ réo gọi.

Rồi những chuyến đi dần ngắn lại khi đứa con ra trường, ba mẹ phải trải một đợt lo lắng cao điểm hơn để đủ tiền cho con cưới vợ. Nghĩ ngày xưa mình cưới nhau hai bên nội ngoại đâu phải quá lo âu, vàng cưới chỉ có cặp nhẫn và đôi bông không quá hai chỉ vàng. Vậy mà giờ đây phải lo bao việc. Cứ nghĩ thành phố thì dịch vụ gì cũng có; nhưng đến lúc rớ vào mới thấy phải so sánh đắn đo bao việc. Đứa con bày ra một loạt lựa chọn với đủ loại dịch vụ và giá cả, ba mẹ đau đầu lựa chọn. Mất đi ba ký lô sau lần cưới con, ba hy vọng mình đã xong những trách nhiệm của đời người, sẽ an dạ về quê vui thú điền viên thì mấy ký lô bù lại mấy hồi.

Nhưng miếng đất vườn ở quê trồng cây chưa có trái, loay hoay ba mẹ có cháu nội. Cháu vừa đầy tháng thì phải lên phố ở thay nhau giữ cháu cho con đi làm. Cuộc mưu sinh lại diễn ra tiếp nối giữa thế hệ này với thế hệ khác. Ba mẹ nghĩ rằng năm xưa khi con còn thơ dại, mới lên phố phường, mình nhiều đêm vừa lo cho con sốt vừa phải canh nồi xôi mà ứa nước mắt. Ước ao phải chi còn ông bà nội ngoại để giữ cháu thì đỡ biết bao. Ý nghĩ ấy gắn ba mẹ chặt hơn với con cháu và phố phường. Nghĩ mình đã trải qua, đã thấu hiểu, lẽ nào lại bỏ con lúc này để về quê cho riêng mình. Vậy là gác lại chuyến trở về quê, dù mỗi đêm mẹ vẫn hay nói trong mơ “Nấm mối mọc ở sau vườn ông ơi!”.

Đứa cháu nội vào lớp một, học bán trú từ sáng đến chiều tối mới về. Ba mẹ thấy an lòng. Bàn bạc với con về chuyến về quê, đứa con lặng im hồi lâu rồi quyết rằng, vợ chồng con còn công ăn việc làm nên không về quê sống được. Nhưng ba mẹ về thì cứ về, con sẽ lo cho! Ba mẹ mừng. Ba đã liệu định sẵn cho mình mọi thứ, kể cả cái việc sẽ xây lại mồ mả tổ tiên và xây luôn hai “chỗ nằm”. Để khi hữu sự thì đứa con không phải quá lo lắng.

Mọi thứ sắp xếp gần xong, thì một bữa trên đường đi rước cháu nội, trời mưa, tay yếu, ba té xe ở Ngã Bảy. Người ta đưa ba vào viện cả buổi trời mà ở nhà thì vẫn không hay biết, nơm nớp không biết ba có đi rước cháu thật không hay đang trên chuyến xe đò về quê, sau mấy ngày kể rằng mơ thấy đang ngồi bờ ao câu cá lóc. Sau đợt té đó, thần trí ba dần hóa thinh không, và trắng xóa như đứa trẻ quê không quen mùi phố.

Ba vẫn hay ra khoảng sân nhỏ ở chung cư, nơi duy nhất ánh sáng có thể trải trên nền. Nơi đó trồng mấy chậu rau, mẹ ủ trên đất mớ rơm đồng. Sáng nào ba cũng lựng khựng từng bước khó khăn ra đó, ngồi bẹp xuống gạch như đang ngồi trên bờ đê, tay vân vê như đang vấn điếu thuốc rê, rồi đưa lên miệng kéo mấy hơi hì hà, không thấy khói. Ba trầm ngâm nhìn về xa xăm. Nơi đó không quá xa là bến xe, nơi ông vẫn ao ước leo lên xe đò ngủ một giấc là tới quê. Nhưng giờ thì chắc ba cũng không nhớ nhiều về phía ấy.

Mẹ không phiền trách mỗi lần ba bày mớ đất sét ra sàn nhà, ông nặn con trâu, con vịt, cái cà ràng ông táo... Có khi đang chăm chú làm, ba quay qua hỏi mẹ “Con gà trống chiến nhà mình có mấy chân vậy bà?”. Mẹ dịu dàng trả lời, cũng như mấy mươi năm qua thủ thỉ cùng ba. Có đoạn đứa cháu hứng chí lại chơi cùng ông nội, hai ông cháu bê bết đất, ba cười tươi như đứa trẻ có thêm bạn. Vậy mà tối đó, đứa cháu bị mẹ nó rầy vì chơi đất bùn sình, biết bao là vi khuẩn và cấm tiệt từ nay không được chơi dơ với ông nội.

Ba mất bạn, mỗi lúc đứa cháu đi ngang, chỉ len lén nhìn mà không dám gọi. Vì biết nếu gọi bạn thì nó sẽ bị ăn đòn, người tốt ai chơi hại bạn vậy! Có khi mẹ thấy cảnh vậy, mà ứa nước mắt nói giận với thằng con: “Hay con quăng đại ba mẹ về quê cho rồi, về đó ổng chơi bao nhiêu thì chơi cho thỏa”. Nhưng đứa con không chịu. Ba mẹ chỉ có mỗi một đứa con. Phải ở phố, để có đủ đầy mọi điều kiện sống, nhất là y tế, để đứa con lo cho ba mẹ sống khỏe những năm tuổi già...

Một bữa không biết từ đâu có con dế lửa đậu lại trên mảnh vườn nhà. Ba nói: “Tối qua nó gáy kêu bầy nghe đã lắm”. Mẹ ra dấu không cho ba nói nữa, bởi sẽ lộ chuyện ba mẹ đêm khuya không ngủ mà ra đó dầm sương đêm nghe dế kêu. Đứa con không để ý, bởi nó còn bận bịu áo quần giày dép để đi làm.

Con dế dại khờ bay vào nhà tìm bạn, rồi sà xuống đậu trên nền gạch. Đứa con đang đứng mang giày, theo bản tính của người phố sống sạch, nó đạp một cái rõ mạnh làm con dế ngưng bặt tiếng kêu, xẹp lép. Ba đang ngồi trên ghế bỗng đột ngột sà xuống chỗ chân con mình. Nhìn con dế chết toi, ba chợt ôm chân đứa con khóc như mưa, nước mắt nước mũi lem luốt quần con. Lưỡi ông đơ đớ nói mãi không tròn lời.

Đứa con không hiểu sao ba lại đau xót đến như vậy. Nó chỉ đạp chết một con côn trùng thôi, sao ba lại thảm sầu như mất cả bầu trời thơ ấu vậy?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật